Doanh nghiệp cần đa dạng trong việc tiếp cận nguồn vốn
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng mà cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính…
Đừng trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng
Để huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thường nhắm đến 3 kênh gồm: Tín dụng, trái phiếu và thị trường chứng khoán. Thực tế diễn biến nền kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy, việc huy động vốn từ các kênh này đang trở nên khó khăn hơn hẳn.
Tại hội thảo mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
“Từ khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022 thì tôi nhận nhiều thông tin doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn”, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết.
Do đó, Giám đốc FIDT cho rằng các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.
Ông Tuấn khẳng định thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020 - 2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.
“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng”, ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính cho biết, khá nhiều doanh nghiệp mà ông tiếp xúc thời gian gần đây đều chia sẻ về thực tế khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đa dạng nguồn vốn huy động
Từ thực tế nêu trên, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng cần có giải pháp huy động vốn bền vững.
Theo ông, cơ chế huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang rất thuận lợi hơn các ngành khác. Bởi vốn tín dụng vào bất động sản tuy chỉ chiếm 10% tổng nợ ngân hàng thương mại, nhưng chu kỳ thu hồi bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh nên thực chất có tác động gấp 3 - 4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay (giai đoạn 2015-2021).
Các giải pháp vốn bền vững cho ngành bất động sản gồm: Giảm nhu cầu vốn tín dụng NHTM bằng cách cho vay theo tỷ lệ giảm dần các phân khúc không ưu tiên; tăng vốn cổ phần để tăng nguồn lực (công ty BĐS là ngành tài chính đầu tư cần có thực lực tài chính bằng vốn chủ sở hữu. Việc phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực trả nợ); hợp tác với định chế tài chính để phát triển dự án.
Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giải pháp vốn bền vững gồm: kiểm tra lại các nguồn vốn khi doanh nghiệp gặp khó; xây dựng chuỗi cung ứng giá trị; hướng đến mô hình giúp huy động vốn thuận lợi (công ty đại chúng). Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa hoạt động kinh doanh và minh bạch tài chính cũng sẽ tiếp cận được vốn lãi suất tốt (6 - 7%) từ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Về giải pháp vốn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là khó và cũng không thể phát hành trái phiếu, nên giải pháp vốn hiệu quả là dựa vào mô hình tổ chức và lợi thế sản xuất, từ đó tiến hành xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý. Ngoài ra là liên kết, hợp tác; hoặc chọn mô hình công ty cổ phần và thuê tư vấn chuyên nghiệp để mời gọi đối tác đầu tư tài chính.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, để gọi vốn thành công thì doanh nghiệp phải một “profile” hấp dẫn, ông cho biết đây là yêu cầu để doanh nghiệp đi thâu tóm và sáp nhập, thu hút vốn FDI thành công. Thống kê cho thấy nhiều cuộc M&A đã thất bại do điều kiện không hợp lý, mất hiệu quả do thời gian. Gần đây, Massan đã M&A thành công Phúc Long và trở thành cuộc M&A thành công của năm 2022.
Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh chuẩn bị “profile”, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện hợp tác thuận lợi, mục tiêu kinh doanh cụ thể và mức chiết khấu chào bán phải hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, theo khuyến nghị của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, để phát triển vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính; khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp với mục tiêu bản thân doanh nghiệp và hiệu quả vốn phát hành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết… Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, quan tâm quản lý rủi ro tài chính lãi suất, tỷ giá, dòng tiền….
TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận rằng, từ nay đến năm 2030, nguồn vốn trung và dài hạn cho bất động sản ở khoảng 700.000 - 1 triệu tỷ đồng, chắc chắn nguồn vốn này phải lấy từ thị trường chứng khoán.