Doanh nghiệp bảo hiểm quý II/2022: Hoạt động đầu tư 'bào mòn' lợi nhuận

Hoạt động đầu tư kém hiệu quả là nguyên nhân chung dẫn đến lợi nhuận sau thuế đi lùi của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán.

Trái chiều doanh thu – lợi nhuận

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán vừa ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế đi ngang hoặc đi xuống so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (doanh thu thuần) phần lớn đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất báo lỗ sau thuế trong quý II/2022 là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI). Nằm trong xu hướng chung, doanh thu thuần của BLI trong quý II tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 291 tỷ đồng. Tuy nhiên do bị bào mòn bởi chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chiếm tới hơn 99%, lợi nhuận gộp phải ghi nhận mức sụt giảm 99%, đạt chưa tới 1 tỷ đồng. Mức lãi gộp này hoàn toàn không thể bù đắp cho các chi phí phát sinh trong kỳ. Cùng với đó, hoạt động tài chính đi thụt lùi với doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 12% và 41%, tương ứng đạt 25,7 tỷ đồng và 17,12 tỷ đồng. Tựu trung, BLI báo lỗ sau thuế 51,8 tỷ đồng trong quý II/2022, trong khi cùng kỳ lãi 21,3 tỷ đồng.

Đây là kết quả khá bất ngờ khi BLI vừa báo lãi “đậm” hơn 128 tỷ đồng trong quý I vừa qua, là mức lợi nhuận sau thuế (theo quý) cao nhất mà doanh nghiêp này từng ghi nhận trong suốt quá trình hoạt động. Theo BLI, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong quý II là phát sinh một số vụ bồi thường lớn làm tăng chi phí bồi thường. Cùng với đó, thị trường chứng khoán bất ổn làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu và lợi nhuận của hoạt động tài chính.

Bên cạnh BLI ngậm ngùi thua lỗ, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm đã báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó mức giảm đều ghi nhận 2 chữ số. Doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận giảm mạnh nhất là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG). Trong khi doanh thu thuần quý II đạt hơn 834 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 thì lợi nhuận sau thuế giảm tới 78%, đạt vỏn vẹn gần 17 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với mức 78,6 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2021. Theo giải trình của doanh nghiêp này, biến động mạnh của lợi nhuận sau thuế trong quý II là do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư đã giảm mạnh tới 68% so với cùng kỳ, đồng thời doanh thu phí bảo hiểm thuần cũng giảm 5%.

Trong khi đó, hai doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) cùng ghi nhận mức giảm lợi nhuận 49%. Điểm chung của ABI và BIC là đều có doanh thu thuần tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu thuần ABI tăng 9%, đạt hơn 469 tỷ đồng; doanh thu thuần BIC tăng 18%, đạt hơn 667 tỷ đồng. Cùng ghi nhận mức độ sụt giảm trên 49%, ABI báo lãi sau thuế quý II đạt hơn 43 tỷ đồng, còn BIC đạt gần 50 tỷ đồng. Với sự đồng pha về biến động doanh thu và lợi nhuận, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh quý II của 2 doanh nghiệp này lại không giống nhau. Cụ thể, ABI cho biết chi phí bồi thường tăng 34,7% đã làm cho doanh nghiệp không đạt mức tăng trưởng dương về lợi nhuận trong quý II. Còn BIC cho biết lợi nhuận từ hoạt động đầu tư giảm 24% so với cùng kỳ, trong bối cảnh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng vỏn vẹn 4% là nguyên nhân khiến doanh nghiệp suy giảm lãi sau thuế.

Câu chuyện lợi nhuận sụt giảm không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ hay trung, ngay cả các ông lớn như Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) cũng không ngoại lệ. Về phía BVH, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 10.334 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức doanh thu mức cao kỷ lục (theo quý) trong lịch sử hoạt động của tập đoàn này. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế lại quay đầu sụt giảm tới 32% so với cùng kỳ, ghi nhận 317 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong vòng 9 quý trở lại đây. Tương tự như BLI, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của tập đoàn này đã bị ảnh hưởng khi diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, từ đó kéo lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm.

Về phía PVI, doanh thu thuần quý II đạt hơn 1.579 tỷ đồng, tăng mạnh 26% so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế sụt giảm 26%, thu về hơn 200 tỷ đồng cả quý II. Phía PVI cho biết nguyên nhân là sự sụt giảm ở lợi nhuận hoạt động tài chính. Cụ thể, chi phí tài chính tăng vọt 152%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 34%.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác điền tên vào danh sách lợi nhuận sụt giảm là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI). Trong khi doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 315 tỷ đồng, PGI báo lãi sau thuế quý II giảm tới 30%, tương ứng đạt hơn 73 tỷ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do chi phí bồi thường tăng, giá trị hoàn nhập dự phòng không cao bằng mức cùng kỳ năm 2021.

Hai doanh nghiệp có mức lợi nhuận đi ngang là Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI).

Điểm sáng duy nhất trong quý II của bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết thuộc về Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần quý II của AIC tăng 64% so với cùng kỳ, đạt hơn 614 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ, đạt hơn 91 tỷ đồng trong quý II. Kết quả, AIC báo lãi sau thuế tăng gấp gần 12 lần, đạt hơn 17 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 1,4 tỷ đồng. Trong quý I, AIC cũng đạt được mức lợi nhuận sau thuế khả quan gần 17 tỷ đồng.

Kỳ vọng hoạt động đầu tư sớm khởi sắc

Dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân quan trọng khiến phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm là do lợi nhuận hoạt động đầu tư đi xuống và chi phí bồi thường đi lên.

Trên thực tế, việc tăng chi phí bồi thường ở các doanh nghiệp bảo hiểm đã được dự báo ngay từ đầu năm 2022. Theo đó, trong năm 2021, người được bảo hiểm đã hoãn nộp các yêu cầu bồi thường do vấn đề về giãn cách xã hội và điều này khó lặp lại trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, chi phí bồi thường có thể sẽ tăng mạnh.

Về hoạt động đầu tư, lãi tiền gửi, lãi từ đầu tư trái phiếu và kinh doanh cổ phiếu là phần thu nhập chủ đạo trong doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên diễn biến thị trường chứng khoán cũng như diễn biến lãi suất huy động trong nửa đầu năm lại không quá khả quan.

Nhìn lại thị trường chứng khoán trong quý vừa qua, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 294 điểm, “bốc hơi” 20% so với quý trước. Thanh khoản thị trường liên tục giảm mạnh. Giá trị giao dịch trung bình phiên của cả 3 sàn đạt 20.514 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 34% so với quý trước và 22% so với cùng kỳ năm 2021. Diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Chẳng hạn, BVH ghi nhận lãi từ đầu tư cổ phiếu trong quý II giảm tới 73%, BIC cũng ghi nhận mức giảm lên tới 68% so với cùng kỳ.

Về hoạt động gửi tiền, lãi tiền gửi ghi nhận giảm ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận sa sút như MIG (lãi tiền gửi giảm 7%), BLI (lãi tiền gửi giảm 6%), PVI (lãi tiền gửi giảm 25%), BIC (lãi tiền gửi giảm 2,3%). Dù mức giảm trong quý II đa phần không quá lớn so với cùng kỳ, nhưng lãi tiền gửi lại chiếm tỷ trọng cao hàng đầu trong thu nhập của hoạt động tài chính, nên ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận đầu tư.

Nhìn về nửa cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động gửi tiền của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể diễn biến tích cực hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán đã qua. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, sự lạc quan đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như: lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt; Fed giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ; Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại; Nghị định 153 sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã ấm dần lên trong thời gian gần đây. Cụ thể, nhiều ngân hàng đều đã tăng suất huy động ở một số kỳ hạn, mức tăng dao động từ 0,3 - 0,6 điểm %/năm, thậm chí một số ngân hàng còn lên tới 2 điểm %. Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự đoán, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm % sau khi Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
 

Hoài Hiếu

Theo VietnamFinance