Doanh nghiệp đôn đáo tìm vốn - tham vọng đón đầu chu kỳ mới?
Nhu cầu vốn lớn để phát triển các dự án cũng như cơ cấu lại các hoạt động tài chính đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung - dài hạn thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Theo đánh giá, dù thị trường bất động sản đang nhúc nhích hồi phục, nhưng khó khăn về dòng tiền với các doanh nghiệp bất động sản còn hiện hữu, do khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp chưa thực sự dễ dàng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trung - dài hạn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay huy động chính cổ đông trong công ty để phát triển các dự án cũng như cơ cấu lại các hoạt động tài chính.
Ngoài kế hoạch huy động vốn từ thị trường chứng khoán để cơ cấu nợ, thì một số doanh nghiệp khác dùng vốn để thực hiện việc triển khai các dự án bất động sản. Điều này thể hiện tham vọng và sự lạc quan của doanh nghiệp trước những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản trước chu kỳ mới.
Tập đoàn Novaland (mã NVL) gần đây chốt phương án chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6 (tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu nhận 6 quyền mua, cứ 10 quyền mua sẽ được quyền mua thêm 6 cổ phiếu mới) và cổ phiếu sau khi phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.
Với hơn 11.700 tỷ đồng có thể thu được từ đợt huy động này, Novaland dự kiến dùng gần 10.600 tỷ đồng góp vốn vào công ty con; hơn 855 tỷ đồng tái cơ cấu nợ và thanh toán một phần các khoản phải trả; hơn 140 tỷ đồng thanh toán chi phí lương cho cán bộ, nhân viên; gần 139 tỷ đồng thanh toán chi phí vận hành chung.
Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) dự kiến chuyển nhượng các dự án gồm Khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà (Đà Nẵng, quy mô 29 ha), Chung cư lô C1 tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các tài sản, dự án khác của công ty này cũng như các công ty con… để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các khoản nợ khác.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản đang chuyển biến tích cực, song doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Trong đó, bài toán tài chính luôn là vấn đề quyết định sống còn với doanh nghiệp.
Phát hành cổ phiếu là kỳ vọng của các doanh nghiệp, còn kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Các doanh nghiệp muốn huy động vốn từ thị trường chứng khoán phải thuyết phục giới đầu tư bằng chính kết quả kinh doanh khả quan trong năm, nỗ lực tái cơ cấu nợ và đặt ra kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.
Dự kiến cuối năm nay, thị trường bất động sản mới bước vào giai đoạn hồi phục. Do đó, việc phát hành thêm cổ phiếu không những giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn tự có, mà còn tránh sự ràng buộc bởi nghĩa vụ trả lợi tức cố định.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp đang đôn đáo tìm vốn, thậm chí chấp nhận bán bớt tài sản là để chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội mới, khi 3 sắc luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản gồm Luật Đất Đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024), thay vì ngày 1/1/2025. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Quốc hội đang xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở và tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; đồng thời các bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện hơn 20 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan.
Theo đó, các khó khăn mấu chốt của trường bất động sản liên quan tới pháp lý dự án và nguồn vốn kỳ vọng sớm được tháo gỡ, giúp gia tăng nguồn cung sản phẩm cũng như khơi thông dòng vốn cho thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến nay, hoạt động tín dụng lĩnh vực bất động sản trên địa bàn Thành phố có xu hướng tăng, gắn liền với những chuyển biến tích cực trên thị trường địa ốc.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt khoảng 981.500 tỷ đồng, tăng 1,61% so với cuối năm 2023 và chiếm khoảng 33% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước.
Theo ông Lệnh, sự hồi phục của thị trường bất động sản đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng gia tăng giải ngân vào lĩnh vực này, nhất là các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Trong đó, hoạt động cho vay mua nhà để ở, xây và sửa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… được chú trọng. Điều này khiến tỷ trọng các khoản vay bất động sản với mục đích sử dụng chiếm tới 68% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tín dụng phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ghi nhận mức tăng 9,3% so với cuối 2023, đạt khoảng 44.600 tỷ đồng.