Doanh nghiệp góp 160 tỷ/năm vào ngân sách tỉnh có sân bay rộng nhất Việt Nam 'thoi thóp' trước vướng mắc của loạt dự án
Doanh nghiệp này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương thời gian qua đã có đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng trước những khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Phản hồi lại kiến nghị của Tập đoàn Đạt Phương, ngày 12/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn gửi Sở Tài nguyên và Moi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư UBDN huyện Thăng Bình, TP. Hội An tập trung giải quyết và tham mưu UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương.
Theo kiến nghị của Tập đoàn Đạt Phương, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều vướng mắc, tồn tại chưa được tháo gỡ ở các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đối với dự án Khu đô thị Cồn Tiến (thành phố Hội An), Đạt Phương đề nghị tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, sỡm xác định giá đất để hoàn thành dự án theo tiến độ gia hạn tới cuối năm 2024.
Với dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại huyện Thăng Bình, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 254 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 127,29ha/154ha (tương đương 83%). Song đến năm 2021, Đạt Phương đã đồng thuận với tỉnh Quảng Nam hoàn trả dự án. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày thu hồi, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chủ trương, định hướng giải quyết phần chi phí mà nhà đầu tư bỏ ra trong nhiều năm qua. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Với 2 dự án là Khu đô thị Võng Nhi và Khu đô thị Đồng Nà tại thành phố Hội An, mặc dù cả 2 đã được bàn giao đưa vào sử dụng song vẫn còn khoảng 20% người mua nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Điều này khiến doanh nghiệp đối diện nguye cơ khiếu kiện do những hiểu lầm, bức xúc của người dân đã mua dự án. Được biết, 2 dự án này đã được nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo phía Đạt Phương, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tiếp nhận hồ sơ nhưng không giải quyết.
Trước những khó khăn đang gặp phải, doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ phá sản. "Những khó khăn, vướng mắc nêu trên trong giai đoạn vừa qua đã gây ra rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty chúng tôi, việc kéo dài có nguy cơ gây đổ vỡ và phá sản doanh nghiệp do bị đóng băng về dòng tiền", theo đơn kiến nghị của Tập đoàn Đạt Phương.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như cầu Cửa Đại, cầu Ông Điền, nút giao Trường Hải, tuyến đường 129, kè chống xói lở biển Cửa Đại, thủy điện Sông Bung 6, cầu Đế Võng, khu đô thị Võng Nhi, khu đô thị Đồng Nà, khu đô thị Cồn Tiến, khách sạn Quốc tế 5 sao Casamia, khu nghỉ dưỡng Bình Dương...
Trung bình giai đoạn từ năm 2018-2022, công ty đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 160 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Quảng Nam là một tỉnh ven biển nằm ở cực Bắc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Sân bay Chu Lai là sân bay rộng nhất Việt Nam nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Trong đề án nâng cấp Chu Lai thành sân bay quốc tế, nơi đây sẽ trở thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước với công suất dự kiến 1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2025.