Doanh nghiệp hàng không khó khăn do Covid-19, Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh Covid–19. Đợt dịch bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết nguyên đán đã khiến doanh thu ngành hàng không đã giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực hàng không trước khi báo cáo Thủ tướng. Theo đánh giá trong dự thảo, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34.5% - 65,9 % so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Đáng chú ý, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không đã giảm khoảng 80 % so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát).

Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid – 19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với khoản lỗ quý 1 năm 2021 khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.

Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản.  
Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản.  
Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, doanh nghiệp này đang bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Báo cáo tài chính quý 1/2021 của Vietnam Airlines cũng cho thấy, doanh thu trong kỳ đồng loạt giảm. Cụ thể, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm đến 64%, trong đó doanh thu nội địa giảm 26% và quốc tế giảm 97%. Doanh thu thuê chuyến cũng giảm 83.5%. Các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không của Vietnam Airlines cũng đều ghi nhận tình hình kinh doanh kém khả quan.

Với việc lỗ tiếp gần 5.000 tỷ đồng trong quý 1 đã khiến lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tăng lên 14,219 tỷ đồng, vượt quá quy mô vốn điều lệ. Nhờ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn khác mà tổng công ty vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu và tạm thời chưa bị hủy niêm yết.

Cũng tại thời điểm cuối quý 1, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm từ 6.072 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả là 59.550 tỷ đồng; riêng các khoản nợ vay ngắn hạn 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 21.640 tỷ đồng.

Mới đây, Vietnam Airlines đã công bố kế hoạch bán 11 trên 51 máy bay Airbus A321 CEO trong đội tàu bay 107 chiếc của hãng. Các máy bay được rao bán sản xuất năm 2004, 2007 và 2008, dự kiến sẽ mang lại dòng tiền giúp hãng hàng không tiếp tục đấu tranh với tình hình dịch bệnh.

Trước đó vào đầu tháng 4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4 khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Đề xuất hỗ trợ lãi suất 4% cho Bamboo, Vietjet

Đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù trong năm 2020 các hãng này đã có gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do dịch Covid - 19.  
Các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do dịch Covid - 19.  
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 4% trong năm 2021 - 2023 cho các hãng. Với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm 2021.

Cơ quan này cũng đề xuất, Bộ Tài chính sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, hàng không Việt có thể lỗ tới 15.000 tỷ trong năm 2021. Thời điểm đó, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tín dụng.

Theo đó, VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ.

Dù vậy, năm 2020, bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19, trong các hãng hàng không thương mại của Việt Nam, chỉ Vietjet và Bamboo Airways công bố có lãi, các hãng khác đều lỗ. Trong đó, Bamboo Airways lãi trước thuế 400 tỷ đồng, còn Vietjet lãi gần 123 tỷ đồng.

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ