Vietnam Airlines rao bán 11 chiếc máy bay cũ

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines mới đây đã đăng thông báo mời tham gia mua đấu giá 11 tàu bay thân hẹp Airbus A321CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines mới đây đã đăng thông báo mời tham gia mua đấu giá 11 tàu bay thân hẹp Airbus A321CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn muốn bán và thuê lại (SLB) một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm QEC mới (Quick Engine Change - bộ thay động cơ nhanh) dự kiến giao tháng 7/2021.

Việc thanh lý các tàu bay cũ cũng như bán và thuê lại (SLB) tài sản cố định là một phần trong kế hoạch cải thiện nguồn thu, bổ sung thanh khoản của Vietnam Airlines để đối phó với thiệt hại của COVID-19.

Năm 2020, Vietnam Airlines dự định thanh lý 5 chiếc A321 cũ theo hợp đồng đã ký từ năm 2019. Trong thực tế, doanh nghiệp đã bàn giao ba chiếc, thu về 365 tỷ đồng. Với hai máy bay còn lại, phía đối tác không nhận bàn giao và đồng ý trả khoản phạt 23,5 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. Trong 11 chiếc tàu bay mà Vietnam Airlines muốn bán đấu giá năm 2021 như nói ở trên có hai chiếc từ hợp đồng năm 2020 chuyển sang và 9 chiếc khác.

Vietnam Airlines cho biết hãng đã và đang đàm phán lùi lịch nhận các máy bay thuê hoạt động. Trong đó, 6 tàu thân rộng Boeing 787-10 và thân hẹp A320Neo đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2021 và trong năm 2022, 2023 thay vì nhận năm 2020 theo thỏa thuận ban đầu.

Tại ngày 31/12/2020, Tổng Công ty (bao gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đang thuê hoạt động: 13 chiếc A321; 20 chiếc A321 Neo; 18 chiếc A320; 1 chiếc ATR72; 4 chiếc Boeing 787-9; 14 chiếc A350; 4 chiếc Boeing 787-10.

Ngoài ra, Tổng Công ty cũng đang thuê tài chính 26 máy bay gồm các loại A321, Boeing 787 và ATR72. Đến cuối giai đoạn thuê, Tổng Công ty có quyền lựa chọn mua lại những chiếc máy bay này theo các điều kiện của hợp đồng thuê tài chính.

Vietnam Airlines đã có mức lỗ sau thuế kỷ lục khi công bố báo cáo tài chính Quý 1 năm 2021 lên tới 4.565 tỷ đồng, tăng 158% so với khoản lỗ 1.771 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ sau thuế hợp nhất là 4.965 tỷ đồng, tăng 90%. Doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm 65% so với quý I năm ngoái tương đương giảm 9.558 tỷ đồng. Giảm mạnh nhất là doanh thu cung cấp dịch vụ với tỷ lệ đi xuống gần 64%, trong đó doanh thu nội địa giảm 26%, quốc tế hụt 97% và thuê chuyến giảm 84%.

Tổng chi phí quý 1 của công ty mẹ chỉ giảm 41%. Do tốc độ giảm của doanh thu lớn hơn so với chi phí nên số lỗ của công ty mẹ trong quý I năm nay tăng thêm 2.793 tỷ đồng so với số lỗ của quý đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đi xuống một phần do sự sa sút của công ty mẹ, phần khác do các công ty con trong hoạt động phục vụ mặt đất hay nhiên liệu như Vacs, Skypec, Viags, … cũng gặp khó khăn.

Năm 2020, Tổng công ty đã khai thác tổng cộng gần 111.000 chuyến bay, giảm xấp xỉ 34% so với năm 2019. Trong quý I/2021, Tổng công ty thực hiện 26.190 chuyến bay, giảm 29%. Toàn ngành hàng không Việt Nam thực hiện hơn 58.300 chuyến, giảm gần 25% so với cùng kỳ.

Trong khi đó hãng bay Bamboo Airways đã tiếp nhận một chiếc Airbus A321Neo ACF vừa được hoàn thành tại nhà máy ở Đức. Hãng cũng đặt mục tiêu mở các đường bay thẳng tới Mỹ, Australia, Đức, Nhật Bản và Anh trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ngày 7/5, Bamboo Airways cho biết hãng đã được cấp slot bay thẳng tới Sân bay quốc tế San Francisco và Los Angeles, bang California, Mỹ, bắt đầu từ 1/9 năm nay. Trong 4 tháng đầu 2021, Bamboo Airways khai thác 15.979 chuyến bay, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần số chuyến bay của hãng tăng từ 13% lên 19%.

Minh Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam