Doanh nghiệp “khát” vốn

Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch HUBA, hiện doanh nghiệp cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất... Tuy nhiên, dù nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn khó.

Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Ảnh: (Minh họa)  
Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Ảnh: (Minh họa)  

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất... Tuy nhiên, dù nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn khó.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng cho biết, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao.

Bà Kim Chi cho biết, hiện các doanh nghiệp đang "khát" vốn. Trước đây, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng. Kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho doanh nghiệp bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để tăng nguồn vốn vay”.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tân Quang Minh, cho rằng trước giờ doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó. Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, doanh nghiệp làm sao để tiếp cận được, có phải làm đơn kiến nghị hay đề xuất cụ thể không?

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành khẳng định, hơn bao giờ hết doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian hoạt động bị đình trệ do dịch Covid-19.

Theo ông Nghĩa, nguồn vốn bị giải ngân chậm như hiện nay một phần do cơ chế. Giải pháp vốn cho doanh nghiệp hiện nay chính là cơ chế. 

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Phước Hưng  kiến nghị ngân hàng thương mại cần có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn

Trả lời những vấn đề đại diện doanh nghiệp đặt ra, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, từ đầu năm đến nay đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp với hơn 90.000 tỷ đồng lãi suất thấp.

Ngành ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay; giải bài toán vốn qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

“Trường hợp, doanh nghiệp bị “làm khó” liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật!”, ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, vốn là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện có ít nhất 6 dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó là dòng vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ đối tác, vốn tài trợ từ chuỗi cung ứng, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư, vốn tự có.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực thì các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Kênh vốn ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà chỉ chiếm 47%, còn các nguồn khác như giải ngân FDI (14,8%), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (21,5%), cổ phiếu, đầu tư công…

Bên cạnh đó, để huy động vốn thành công, theo ông Lực các doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, chủ động tiếp cận chương trình phục hồi…

Ông Lực nhấn mạnh, doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu nguồn vốn từ thuê tài chính. “Không phải lúc nào đi thuê cũng xấu”, ông Lực nói và cho rằng, đôi khi đi thuê tài chính lại là phương án tốt dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, tiến sĩ Lực cho hay Quốc hội đã yêu cầu xác định rõ về dòng tiền, nguồn vốn 40.000 tỷ đồng để triển khai; không hỗ trợ đại trà mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng, có khả năng phục hồi…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đề xuất TP.HCM đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng và giải ngân đầu tư công để có tính lan tỏa, vốn mồi cao; phối hợp phát triển, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán; đẩy nhanh lộ trình thành lập Trung tâm Tài chính quốc gia tại TP.HCM và cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh để tăng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư…

Được biết, hiệnTP.HCM đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách, như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống