Doanh nghiệp nặng gánh và lợi nhuận ngân hàng: Những nỗi lo
Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn phải là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng, bởi doanh nghiệp có khỏe mạnh thì ngân hàng mới tồn tại được.
Quý I năm nay chứng kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng vượt bậc. Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng quý I/2021 của Công ty CP Chứng khoán BOS ghi nhận, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam trong quý I/2021 đạt 41.876 tỷ đồng, tăng tới 77,4% so với cùng kỳ năm trước và ở mức kỷ lục từ trước tới nay.
Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi Covid-19 song theo phản ánh của doanh nghiệp, lãi suất cho vay dù giảm nhưng thực tế vẫn còn cao. Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp cho thấy họ chịu áp lực rất lớn từ chi phí lãi vay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trao đổi với Đất Việt, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh, hai chủ thể này luôn gắn với nhau, doanh nghiệp sống thì ngân hàng sống, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn. Nếu tính đúng, tính đủ, khi hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ thì lợi nhuận của ngân hàng cũng suy giảm, thậm chí không có lãi.
"Để khách quan cần nhìn vào hoạt động cụ thể của từng ngân hàng. Có khi doanh số rất lớn thì chi phí ngân hàng phải bỏ ra cũng phải lớn", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Cơ cấu thu nhập của các ngân hàng niêm yết. Nguồn: FiinPro, BOS tổng hợp |
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, một trong những yếu tố ủng hộ cho việc nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN khắc phục những hạn chế của Thông tư 01. Nhờ thông tư này, các ngân hàng được phép trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm và giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Quy định này, theo TS Kiêm, giúp ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được tiền không bị chuyển vào nhóm nợ xấu, trong khi theo quy định, nếu khách hàng bị chuyển vào nhóm nợ xấu thì lãi suất có thể tăng và họ không thể vay thêm nữa, nhất là khi vào nhóm 3,4,5.
Cũng nhờ quy định này, ngân hàng giảm bớt được áp lực về chi phí, bức tranh lợi nhuận trong báo cáo cũng trở nên sáng sủa hơn.
"Việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trích lập dự phòng sẽ khiến bức tranh về nợ xấu không phản ánh đúng thực tế, rủi ro cũng tăng lên, nguy cơ không thu hồi được nợ, nợ xấu là có thật.
Trong tình hình hiện nay, Covid ảnh hưởng nặng nề, đó là việc làm cực chẳng đã và buộc phải chấp nhận.
Dù trên sổ sách, tình hình tài chính của ngân hàng rất sáng sủa, nhưng không ai rõ về sức khỏe của mình như chính mỗi ngân hàng. Bản thân ngân hàng phải tỉnh táo, không thể chủ quan, đừng nhìn vào lợi trước mắt mà quên đi sự an toàn, bền vững, lâu dài của chính mình và của cả hệ thống
"Giảm thiểu được rủi ro đến đâu tùy thuộc vào nghệ thuật quản trị, kinh doanh của từng ngân hàng. Chẳng hạn, Thông tư 03 cho phép ngân hàng lựa chọn trích lập dự phòng theo giai đoạn hoặc toàn bộ tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Để tránh rủi ro nợ xấu, ngân hàng nên trích lập dự phòng đầy đủ, phân biệt đối tượng khách hàng nào nhiều rủi ro thì trích lập dự phòng nhiều... để làm của để dành", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Trong khi đó, một chuyên gia ngân hàng khác cũng cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh, khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng, phát triển các hoạt động dịch vụ để đa dạng hóa nguồn thu, từ đó đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngân hàng. Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng.
"Tín dụng tốt nhất phải đổ vào sản xuất. Ngân hàng và doanh nghiệp phải dựa vào nhau mà sống, phải có sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhau thì mới cùng tồn tại được", vị này nhấn mạnh, đồng thời đặc biệt lưu ý đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước. "Ngoài tài quản lý của các ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước phải quản lý, kiểm soát thường xuyên, đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng đi đúng hướng, giữ vững sự ổn định của tiền tệ".