Ngân hàng dồn dập huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không tài sản đảm bảo
Thời gian gần đây, các ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với nhóm bất động sản, chứng khoán và lãi suất tiền gửi. Đáng lưu ý, đây đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Theo chứng khoán MBS, trong quý 1/2021, có 38.235 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm bất động sản và chứng khoán là 2 ngành đi đầu trong phát hành trái phiếu, chiếm tới hơn 3/4 tổng lượng phát hành toàn thị trường. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng, chỉ có 2 thành viên là LienVietPostBank và VPBank tham gia phát hành trái phiếu trong quý 1.
Tuy nhiên, sau quý 1 khá im ắng, từ cuối tháng 4 đến nay, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Kỳ hạn trái phiếu chủ yếu là 2-3 năm với lãi suất chỉ 3 - 4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Đáng chú ý, đây đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Vậy với mức lãi suất này liệu có thu hút nhà đầu tư?
Cụ thể, ngày 13/5, VIB đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất chỉ 4%/năm. Trước đó, cuối tháng 4, ngân hàng cũng đã phát hành thành công hai lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, trong đó gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 3,7%/năm; 1.500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 4%/năm.
Lưu ý, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.
Mới đây, ngân hàng ACB có kế hoạch phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn ba năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 3.000 tỷ đồng. Lần phát hành này được chia ra tối đa làm 6 đợt.
Trái phiếu trên là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không được bảo đảm bằng tài sản.
Lãi suất trái phiếu sẽ cố định trong suốt thời hạn, mức lãi suất cụ thể sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và phương án phát hành.
Về mục đích sử dụng vốn, ACB cho biết đợt huy động trái phiếu này nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ngân hàng, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng và đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn.
ACB cho biết việc huy động nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn.
Tương tự, ngày 10/05, ngân hàng TPBank cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm. Ngày phát hành là 10/05/2021 và ngày đáo hạn là 10/05/2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải nợ thứ cấp, không có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền.
Ngân hàng SHB hôm 18/5 cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 3,8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Tiền lãi được trả sau, định kỳ 1 năm/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của SHB. Ngày phát hành là 18/5/2021, ngày đáo hạn là 18/5/2023. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và bổ sung nguồn vốn cho vay khách hàng.
Ngoài ra, còn nhiều ngân hàng tăng cường tăng cường vốn qua kênh trái phiếu như VPB có 3 đợt phát hành trong tháng 5; HDBank với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trái phiếu và Vietinbank phát hành riêng lẻ 1.500 tỷ đồng trái phiếu vào đợt 1/2021 và 85 tỷ đồng trái phiếu vào đợt 2/2021.
Có thể thấy, mức lãi suất huy động bằng trái phiếu tại các ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với nhóm bất động sản và chứng khoán. Các doanh nghiệp bất động sản trả lãi suất cao nhất lên tới 13% -14%/năm cho kỳ hạn 2 năm thì nhóm ngân hàng cao nhất chỉ 4%/năm.
Hơn nữa, đối tượng mua trái phiếu của các nhà băng phần lớn là công ty chứng khoán.
Cụ thể, VNDirect đã mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm lãi suất 3%/năm của TPBank trong đợt phát hành ngày 5/5. Tại ACB, trong đợt phát hành vừa qua, 2 công ty chứng khoán không nêu tên đã mua trọn 2.000 tỷ đồng trái phiếu của nhà băng này.
Vì sao ngân hàng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu
Hiện các ngân hàng huy động trái phiếu dồn dập có thể liên quan tới việc huy động vốn qua kênh tiền gửi tăng trưởng khá chậm trong quý đầu năm.
Ở giai đoạn hiện nay, lãi suất tiết kiệm xuống thấp, người gửi tiền muốn rút tiết kiệm ra khiến nguồn vốn ngân hàng không ổn định. Do đó, ngân hàng phải tăng nguồn vốn trung, dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu trung, dài hạn. Cách làm này sẽ hút bớt tiền gửi lại, giúp ngân hàng tạo ra tính thanh khoản, ổn định kinh tế vĩ mô.
Được biết, tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020 và mức 1,47% vào trung tuần tháng 3. Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021, tại ngày 31/3/2021, tiền gửi khách hàng của ACB ghi nhận sụt giảm 0,3% xuống 352.217 tỷ đồng. Tương tự, tại SHB, tiền gửi khách khách hàng giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 300.654 tỷ đồng. Tại VIB và TPBank ghi nhận tiền gửi khách hàng cũng chỉ tăng nhẹ 4%.
TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế chia sẻ với báo giới, việc huy động vốn qua trái phiếu là việc vay nợ của ngân hàng và có nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, phát hành chứng chỉ tiền gửi...
Hiện tại, trái phiếu có lợi cho ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn nhất là trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên 5 năm, và được chuyển đổi sang cổ phiếu. Loại trái phiếu này được tính vào vốn cấp 2.
Và điều này rất quan trọng đối với ngân hàng vì tại thời điểm này có nhiều ngân hàng mà vốn chủ sở hữu bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, hay đúng hơn là mất khả năng trả nợ hoặc vỡ nợ, do đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng. Khi chất lượng tài sản ngân hàng bị suy giảm, sẽ đẩy tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng về dưới 8%, do đó họ cần phải bổ sung nguồn vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu có thời hạn ít nhất 5 năm hoặc trái phiếu chuyển đổi.