Doanh nghiệp ngoài ngành lên kế hoạch “lấn sân” bất động sản?
Nắm bắt thời cơ nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư địa ốc đang khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp ngoài ngành lên kế hoạch săn hàng để gia tăng tài sản và sinh lời trong tương lai.
Thị trường bất động sản được đánh giá đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên thanh khoản thị trường bất động sản vẫn còn thấp, không ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên giảm giá bán. Điều này thu hút sự quan tâm của một số doanh nghiệp ngoài ngành.
Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, Bà Lê Hải Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành chia sẻ, công ty đang trong quá trình chuẩn bị công chứng để mua một nhà xưởng mới trên khuôn viên đất gần 3,6 ha tại phường Tân Hiệp, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình nhằm mở rộng sản xuất khi cần, qua đó giúp tăng nguồn thu cho công ty do tại đây đang có hợp đồng thuê rất hấp dẫn.
Bà Liễu cho rằng, việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định, mà còn có khả năng sinh lời rất lớn nếu chuyển nhượng trong tương lai. Nhà máy trên đã có sẵn một hợp đồng thuê với tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê ổn định khoảng 10%/năm và sau mỗi năm có thể tăng giá thuê.
“Nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư đang ‘mệt’ về tài chính, tại sao chúng ta không tận dụng lãi suất thấp của giai đoạn này để mua tài sản nào người ta đang rất cần bán? Tình hình tài chính của Gỗ Đức Thành rất tốt nên cũng dễ dàng vay”, bà Lê Hải Liễu nói.
Cũng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG cho hay, công ty sẽ lựa chọn, đánh giá kỹ từng lĩnh vực để tham gia đầu tư, đặc biệt lĩnh vực bất động sản.
Được biết, cuối năm 2023, Hoa Sen đã thông qua kế hoạch góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn, đơn vị sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Hoa Sen; cho thuê hoặc chuyển nhượng.
Theo ông Vũ, hiện HSG có hạn mức tín dụng 17.000 - 18.000 tỷ đồng, mới sử dụng 5.000 tỷ đồng, với chi phí vay trung bình chỉ 2,1%/năm, thấp nhất thị trường. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Công ty có lãi liên tục, dòng tiền niên độ tài chính 2023 - 2024 dương 1.500 tỷ đồng.
Mới đây, doanh nghiệp ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng "tham vọng" đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.
Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng từng phát biểu: Không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của doanh nghiệp. Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị.
Nghành thủy sản cũng chứng kiến một “ông lớn” là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề "kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
MPC đã công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 17,6 ha được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại 13,5 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi ngay được, song nhìn vào những động thái “lấn sân” sang bất động sản của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành có thể thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này vẫn còn là rất lớn.