Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận đất đai

Tại diễn đàn Kinh tế xã hội năm 2022, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, thực tế trong nhiều năm qua việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó.

 

Theo đại diện VCCI, hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. (Ảnh: minh họa)
Theo đại diện VCCI, hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. (Ảnh: minh họa)

Các tỉnh, thành phố hầu như không có chính sách riêng cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu dành nguồn lực cho các dự án lớn, doanh nghiệp FDI.

"Họ gần như không có cơ hội tiếp cận đất đai dự án, các khu công nghiệp lớn. Họ cũng không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn lý giải rõ hơn, tình trạng phân bổ đất đai chưa bình đẳng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, trong đó hỗ trợ về tiếp cận đất đai hầu như chưa được triển khai trên thực tế. Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận các khu công nghiệp lớn bởi rào cản về quy định diện tích tối thiểu, điều kiện thanh toán, phí sử dụng hạ tầng cao... Vì thế, họ ít cơ hội mở rộng kinh doanh, cơ hội tiếp cận vốn cũng khó. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất hạn chế.

Ngoài ra, việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế rất ít. "Tôi đã đi nhiều địa phương, có tình trạng lãnh đạo địa phương không biết luật này, thậm chí chưa có chương trình triển khai", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đại diện VCCI, hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay với vấn đề về môi trường, làng nghề, việc tiếp cận vốn cũng khó vì không có đất đai, tài sản để thế chấp. Bức tranh khu vực kinh tế tư nhân thời gian vừa rồi rất khiêm tốn.

Điều này dễ xảy ra khi quản trị đất đai ở địa phương thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thiếu sự tham gia của các bên liên quan như người dân hay doanh nghiệp; thiếu sự phối hợp liên ngành hiệu quả; hoặc bộ máy quản lý thiếu liêm chính tạo điều kiện cho tham nhũng, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Tuấn, từ dữ liệu khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá chất lượng quản trị công trong lĩnh vực đất đai không có chuyển biến tích cực đáng kể trong gần một thập kỷ qua. Điều này biểu hiện qua việc điểm chỉ số thành phần gốc về Tiếp cận đất đai (một trong 10 chỉ số thành phần của PCI) có xu hướng giảm kể từ năm 2013.

Kết quả phân tích cũng chỉ ra doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai, như thủ tục hành chính phiền hà, gánh nặng chi phí không chính thức còn phổ biến, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin về đất đai chưa tích cực. Các trở ngại này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

Ngoài ra, việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các địa phương còn thiếu nhất quán, chẳng hạn như việc điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất hay xác định giá đền bù khi thu hồi đất.

Đồng thời, ông Tuấn cũng cho rằng việc khó tiếp cận nguồn lực đất đai, không có quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu đi một loại tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Khi không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho tài sản mới (chẳng hạn đất đai, nhà xưởng).

"Đây là một cái vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực doanh nghiệp tư nhân", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Vì vậy, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh, cần có cải cách mang tính đột phá về thủ tục hành chính, tránh chồng chéo giữa các luật liên quan đến vấn đề đất đai.

Vấn đề cuối cùng là làm sao để giảm văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Ông Đậu Anh Tuấn dẫn kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy để thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ ban hành 25 Nghị định, các bộ ban hành 59 thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 46.

"Khối lượng thông tin để hiểu và nắm bắt kịp thời rất lớn. Chúng tôi cho rằng cần có chế định cho phép doanh nghiệp nhỏ, vừa tiếp cận đất đai là những điểm cần thực hiện trong Luật Đất đai lần này", ông Đậu Anh Tuấn kết luận vấn đề.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống