Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng gặp khó trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
Đóng góp ý kiến tại hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 19/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vùng trọng điểm này gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai.
Đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp vùng ĐBSH giai đoạn 2005 - 2021, VCCI cho rằng: Thời gian qua, tình hình doanh nghiệp vùng ĐBSH đã có sự phát triển vượt bậc, từ số lượng 31.965 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2005 đã lên tới 253.425 doanh nghiệp năm 2020 (tăng khoảng 7,93 lần sau 15 năm, cao hơn so với trung bình cả nước 7,18 lần).
Tuy vậy, sự tăng trưởng doanh nghiệp không đồng đều tại các tỉnh. Nhóm 5 địa phương có tỷ lệ phát triển doanh nghiệp cao trong giai đoạn 2005-2020 bao gồm: Quảng Ninh (tăng 11,33 lần), Hưng Yên (tăng 10,67 lần), Hà Nội (tăng 9,11 lần), Bắc Ninh (tăng 8,78 lần) và Hà Nam (tăng 8,25 lần).
Nhóm còn lại bao gồm 6 địa phương có tỷ lệ phát triển doanh nghiệp thấp hơn trung bình vùng và cả nước, bao gồm: Vĩnh Phúc (tăng 6,93 lần), Hải Dương (tăng 6,55 lần), Hải Phòng (6,43 lần), Ninh Bình (5,78 lần), Thái Bình (5,19 lần) và cuối cùng là Nam Định (5,16 lần).
Môi trường kinh doanh đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại vùng ĐBSH đã có sự cải thiện vượt bậc trong giai đoạn 2011-2021. Điều này phản ánh sự thay đổi rất tích cực của chính quyền địa phương trong quan hệ với doanh nghiệp.
Cụ thể, theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI xây dựng và công bố, điểm số PCI trung bình của vùng ĐBSH đã tăng từ 58,89 điểm năm 2011 lên 66,72 điểm của năm 2021.
VCCI nhấn mạnh: Vùng ĐBSH còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Bởi vậy, vùng kinh tế trọng điểm này cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Năm 2021, điểm số gia nhập thị trường của vùng ĐBSH chỉ đạt 6,79 điểm, đứng thứ 3 trong 7 vùng trên cả nước. Trong đó, thời gian trung bình kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp đến lúc nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lên tới hơn 9 ngày, cao nhất trong các vùng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần được tiếp cận đất đai thuận lợi hơn. Kết quả PCI 2021 cho thấy điểm số tiếp cận đất đai trung bình của vùng chỉ đạt 7,04 điểm, đứng thứ 4 trong 7 vùng trên cả nước. Có tới 46% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh. 79% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
“Cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Điểm số môi trường kinh doanh minh bạch của vùng ĐBSH năm 2021 chỉ đạt 5,82 điểm, đứng thứ 4 trong 7 vùng trên cả nước. Điểm số tiếp cận tài liệu quy hoạch, kế hoạch chỉ đạt 2,62 điểm. Tương tự, điểm số tiếp cận văn bản pháp luật cũng chỉ đạt 2,97 điểm, hai chỉ tiêu này thấp nhất trong các vùng”, VCCI cho biết.