Doanh nghiệp vững vàng hơn trước sóng gió, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2023?

Vào tháng cuối năm, thị trường chứng khoán trong xu hướng tiếp tục hồi phục. Với nền tảng tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các giải pháp của cơ quan quản lý, các chuyên gia dự báo thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 có nhiều kỳ vọng tăng trưởng.

Doanh nghiệp vững vàng hơn trước “sóng gió”

Năm 2022, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao.

Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 6,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với 100% hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Doanh nghiệp vững vàng hơn trước sóng gió, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2023? - Ảnh 1

Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với

100% hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong 2022 là đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính; kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực; các lợi thế nội tại về cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trước “sóng gió”.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), năm 2022 kết thúc với chỉ số VN-Index chỉ hơn 1.000 điểm.

Càng về cuối năm, tâm lý nhà đầu tư càng cẩn trọng hơn, các cá nhân, tổ chức đầu tư thường sẽ có nhu cầu chốt sổ cho nên cuối năm 2022 không có nhiều biến động.

Tuy nhiên, bà Helena Shiu - Giám đốc đầu tư công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng cho rằng, năm 2023, FDI và đầu tư công sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết khoảng 10% với các điều kiện tài chính sẽ cải thiện khi Fed ngừng tăng lãi suất vào năm 2023, khi đó lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tích cực hơn.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc chiến lược đầu tư của SSI Research nhận định năm 2023, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản và thị trường trái phiếu sẽ bắt đầu đi vào thực tiễn. Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch và tạo tiền đề cho hoạt động tái mở cửa nền kinh tế cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho hoạt động xuất khẩu và ngành du lịch của Việt Nam. Điều này sẽ tạo đà cho doanh nghiệp trụ vững hơn trước “sóng gió”.

Theo bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc Đầu tư, điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital dự báo năm 2023, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ vĩ mô như vật liệu xây dựng, bán lẻ, các công ty xuất khẩu chọn lọc, dầu khí, cảng biển.

Khối ngoại mua ròng sôi động

Tháng 12/2022 là thời điểm chứng kiến khối ngoại mua ròng sôi động, trong bối cảnh những phiên giao dịch tỷ USD đã “vắng bóng” ít nhất 8 tháng trước đó. Mặt bằng giá trị giao dịch trung bình trên thị trường tài chính từ cuối tháng 11/2022 đến nay đã cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn trước.

Doanh nghiệp vững vàng hơn trước sóng gió, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2023? - Ảnh 2

Khối ngoại mua ròng sôi động trên TTCK tháng cuối năm 2022.

Những phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu xuất hiện nhiều hơn và với các nhà đầu tư, đây là chỉ báo xu hướng quan trọng.

Theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, nhu cầu mua bằng mọi giá tăng lên, có nhiều phiên nhà đầu tư đẩy mua giá trần. Thanh khoản tăng lên cũng là một trong những tín hiệu đầu tiên để nhận diện xu hướng giao dịch của thị trường. Thị trường giao dịch sôi động thì cơ hội kiếm tiền của nhà đầu tư cũng tăng cao.

Trong suốt tháng cuối cùng của năm 2022, giá trị giao dịch và khối lượng khớp lệnh đều tăng lên rất mạnh. Các hoạt động mua bán nhộn nhịp này là tiền đề cho những khởi đầu tốt cho năm 2023..

Theo các chuyên gia, điều khiến thanh khoản thị trường luôn tạo mặt bằng mới sau mỗi chu kỳ nằm ở dư địa phát triển số lượng nhà đầu tư còn rất lớn. Tỷ lệ tài khoản chứng khoán mới chỉ chiếm hơn 6% dân số, trong khi việc tiếp cận với kênh đầu tư này đang ngày một dễ dàng, giá trị giao dịch vì thế luôn tăng theo thời gian, dù có những giai đoạn điều chỉnh.

Sự sôi động của thanh khoản còn được góp phần bởi dòng tiền ngoại khi các nhà đầu tư nước ngoài nhập cuộc rất quyết đoán và mạnh mẽ. Thậm chí ngay cả những phiên thị trường giảm điểm, các nhà đầu tư ngoại lại mua vào mạnh hơn, làm trụ đỡ cho VN-Index.

Giao dịch của khối này trung bình chiếm khoảng 15 - 20% thanh khoản toàn thị trường, thậm chí có phiên chiếm tới 22%, cao gấp đôi giai đoạn trước. Đại diện một số quỹ lý giải cho động thái mua ròng tích cực của họ vừa qua.

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng trước các diễn biến của kinh tế trên toàn cầu. Nhưng tại thị trường Việt Nam, hầu hết các nhà đầu tư vẫn giữ trạng thái mua vào chứ không phải là bán ra sau giai đoạn biến động của TTCK.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, những nhà đầu tư, khách hàng lớn, họ đang để lượng tiền tương đối lớn cho việc sẵn sàng giải ngân cho mục tiêu đến cuối năm 2023 và cả năm 2024.

Triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định qua năm 2022, TTCK sẽ đi vào thực chất để phát triển bền vững. Do đó, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp vững vàng hơn trước sóng gió, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong năm 2023? - Ảnh 3

UBCKNN sẽ tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường.

UBCKNN sẽ tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường; xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2023; tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn.

Cùng với đó, Ủy ban cần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kịp thời và quy định pháp luật; tập trung triển khai dự án công nghệ thông tin KRX; củng cố năng lực nhân lực của UBCKNN, các sở giao dịch, VSD; tăng cường truyền thông về thị trường cũng như các chính sách để các thành viên thị trường luôn tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống từ UBCKNN, các sở giao dịch.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường tài chính phát triển trong năm 2023, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên.

Hà Anh

Theo Hà Anh