Doanh thu phí bảo hiểm giảm nhẹ trong 2024

Năm 2024 tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm tăng 10,88%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 13,17%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 6,45%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,26%, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (QLGSBH) Phạm Thu Phương cho biết, thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Số lượng văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam là 15 văn phòng.

Năm 2024 các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có tổng tài sản tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,26%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,26% so với cùng kỳ năm trước.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính qua giai đoạn 2023 - 2024 là giai đoạn có nhiều khó khăn và biến động đối với thị trường bảo hiểm và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm, song có thể thấy đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực của thị trường.

Năm 2024 Cục QLGSBH tiếp tục thực hiện chức năng quản lý, giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, Cục QLGSBH tiếp nhận, rà soát, trình Bộ các thủ tục phê chuẩn chức danh quản trị điều hành, đăng ký cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, tách quỹ, chia lãi...

Đồng thời, Cục QLGSBH thực hiện quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam…

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thông qua quản lý, giám sát, Cục QLGSBH đã làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới để tăng cường quản lý, giám sát, đồng thời nắm bắt về khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn về việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Trong năm 2024, công tác quản lý, giám sát được thực hiện thường xuyên, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa, thường xuyên trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức (họp trực tiếp, hội thảo, trao đổi qua email,v.v…) với bám sát thực tiễn diễn biến thị trường, thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá, phát hiện các vướng mắc để có thể nắm bắt và có hướng điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các thủ tục hành chính được thực hiện đúng thời hạn và ngày một rút ngắn về thời gian, thủ tục...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho rằng thị trường bảo hiểm mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm, song có thể thấy đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực của thị trường.

Theo Thứ trưởng, năm 2025 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Tuy nhiên, Thứ trưởng tin rằng cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thì định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam tạo được “cú huých” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Thứ trưởng đề nghị Cục QLGSBH cần tập trung vào công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, công tác xây dựng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.

Bên cạnh đó, Cục QLGSBH cần tiếp tục tập trung vào công tác quản lý giám sát với mục tiêu đảm bảo thị trưởng bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả; triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Nam Yên

Theo Tài chính doanh nghiệp