Đồng loạt 'quay xe', dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu
Nhiều doanh nghiệp đã thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành, chào bán cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chưa thuận lợi.
Loạt DN ‘quay xe’ dừng bán cổ phiếu
Trong nửa cuối năm 2024, thay vì thúc đẩy thực hiện các kế hoạch huy động vốn đã được thông qua ở cuộc họp thường niên, nhiều doanh nghiệp lại có động thái dừng, tạm dừng các kế hoạch chào bán cổ phiếu.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (HoSE: DIG) mới đây đã thông báo dừng việc phát hành 200 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc DIG sẽ ngừng kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán.
Theo DIG, nguyên nhân của động thái này nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông trong điều kiện chứng khoán không thuận lợi, HĐQT doanh nghiệp quyết định dừng việc triển khai và điều chỉnh kế hoạch thu xếp vốn bằng hình thức khác. Việc chào bán cổ phiếu lần này sẽ được dời sang thời điểm khác khi thị trường thuận lợi hơn.
Đầu tháng 12 vừa qua, một doanh nghiệp bất động sản khác là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (HoSE: NHA) cũng thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng mà ĐHĐCĐ thường niên 2024 đã phê duyệt với lý do thay đổi phương án chào bán phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, kế hoạch huy động và sử dụng vốn trong thời gian tới.
Theo phương án ban đầu, NHA dự kiến chào bán 8,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tương đương 20% số cổ phần đang lưu hành với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. HĐQT NHA sẽ xem xét, quyết định và triển khai lại đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vào thời điểm khác.
Hồi cuối tháng 9, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) cũng thông báo về việc tạm dừng tăng vốn điều lệ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đây là kế hoạch chào bán thêm 152,08 triệu cổ phiếu cho cổ đông để huy động hơn 1.500 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền sẽ dùng để thanh toán gốc và lãi của các khoản nợ ngân hàng, trái phiếu.
Lý do tạm dừng được Hải Phát Invest đưa ra là nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông do tình hình thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Ở khối ngân hàng, một vài nhà băng cũng đã tạm dừng thực hiện kế hoạch chào bán cổ phiếu trong năm 2024. Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank, HoSE: LPB) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, trình cổ đông về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.
Trước đó, LPBank đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của ngân hàng, nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và của LPBank, ban quản trị của nhà băng này đã quyết định tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dừng huy động 8.000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn chỉ còn phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) cũng quyết định dừng kế hoạch phát hành 900.000 cổ phiếu riêng lẻ và 5 triệu cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ. Đây là 2 trong 3 cấu phần của phương án tăng vốn năm 2024 của OCB. Cấu phần còn lại là trả cổ tức cho công đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:20, đã được ngân hàng hoàn tất vào cuối quý III vừa qua.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (UPCoM: VTR) đã tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đã nộp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết, đảm bảo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Vietravel cho biết sau khi có phương án mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho UBCKNN.
Thị trường vốn kém hấp dẫn?
Dễ dàng nhận thấy, lý do loạt doanh nghiệp “quay xe”với kế hoạch chào bán cổ phiếu một phần đến từ sự thiếu thuận lợi của thị trường. Ban lãnh đạo DIG nhận định các giao dịch trên thị trường hiện tại khá ảm đạm với thanh khoản thấp, áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại kéo dài liên tục kể từ đầu năm, chưa kể các tác động từ tỷ giá, chính sách liên quan đến lãi suất.
Việc nhiều doanh nghiệp tạm ngưng các kế hoạch chào bán cổ phiếu huy động vốn làm dấy lên nhiều câu hỏi về sức hấp dẫn của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường cổ phiếu.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam từng đặt vấn đề về việc doanh nghiệp thiếu vốn, đói vốn nhưng không đi tìm trên thị trường vốn. “Tôi không biết câu trả lời. Tôi cũng đặt câu hỏi nếu các công ty Việt Nam tìm đối tác chiến lược, vậy tại sao không tham gia thị trường vốn?”.
Theo ông, cần có những điều kiện cần thiết để thị trường vốn trở nên hấp dẫn với cả bên mua – bán, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa sôi động được như kì vọng. Để khơi thông thị trường, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách, bởi hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.
Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã nỗ lực để giải quyết các vấn đề thu hút vốn nước ngoài như việc ban hành Thông tư 68/2024, nhưng thực tế các nhà đầu tư nước ngoài chưa xem đó là thông điệp có tác động đủ rõ ràng.
Bên mua nội địa cũng chưa thực sự có cơ chế để đầu tư mạnh tay. Các định chế lớn như các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn rất lớn, nhưng không thực sự được phép đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ (TPCP). Hay cơ quan Bảo hiểm Xã hội cũng không có nhiều công cụ đầu tư ngoài TPCP (có giai đoạn lãi suất 5 năm là 1,8%/năm, trong khi các công trả lãi suất vay 8-10%/năm).
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn có xu hướng phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng. Theo TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam.
“Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao”, TS Nguyễn Tú Anh cho biết.
Theo ông, việc thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Tú Anh cho rằng cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn. “Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, ông khẳng định.