Động lực phát triển kinh tế 2023: Yếu tố quan trọng vẫn là giải quyết “nút thắt” thể chế
Chia sẻ tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, sáng 14/12, PGS,TS Hồ Sỹ Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, giải quyết “nút thắt” thể chế là yếu tố quan trọng để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Đánh giá, dự báo về bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2022, đầu năm 2023, PGS,TS Hồ Sỹ Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực.
Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).
Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khá và tăng mạnh, nhất là ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng 14,9% so với 11/2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).
PGS,TS Hồ Sỹ Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh giải quyết “nút thắt” thể chế là yếu tố quan trọng để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu ước tính lên tới 10,6 tỷ USD.
Doanh nghiệp đã thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.483 nghìn tỷ đồng.
“Phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực, một số lĩnh vực đã đạt được kết quả như trước khi có dịch COVID-19. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%”, ông Hùng cho biết.
Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.
“Mục tiêu và các chỉ tiêu đặt ra nêu trên qua giải trình của Chính phủ và thảo luận của Quốc hội đã được cân nhắc kỹ, nhưng cũng cho thấy không phải dễ dàng đạt được bởi thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu”, ông Hùng nói.
Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” đưa ra nhiều điểm sáng của nền kinh tế năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thách thức đầu tiên là dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau.
Rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Cho dù rằng giá xăng dầu, khí đốt và hàng hóa khác đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng khả năng bảo hộ thương mại-đầu tư có xu hướng tăng.
Cùng với đó là kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, đặc biệt Trung Quốc tăng trưởng vẫn ở mức thấp (khoảng 4,5%) làm giảm nhu cầu thương mại khiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn. Thu hút đầu tư FDI và các nguồn lực khác sẽ chậm lại, du lịch quốc tế của Việt Nam khó tăng nhanh.
Lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu được các quốc gia tìm cách kiểm soát hơn, theo xu hướng dịu dần, Mỹ sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối 2023.
Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ nhẹ hơn. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo. Năm 2023 cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).
“Xét về tổng thể, “điểm nghẽn” lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh.
Chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục. Do đó, giải quyết nút thắt thể chế là yếu tố quan trọng để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng”, ông Hùng nhấn mạnh.