Năm 2023: Hà Nội chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất

Tại Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022” sáng 14/12 của UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Văn Quân- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố nhấn mạnh giải pháp năm 2023, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phát biểu tại hội nghị về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Lê Văn Quân- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, năm 2022, thành phố đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh thành phố Hà Nội và các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục giảm lãi suất một cách thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Ước tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn dự kiến đạt 4.610.721 tỷ đồng, tăng 8,46% so với 31/12/2021).

Các TCTD đã chủ động thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023: Hà Nội chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất - Ảnh 1

Năm 2023, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất. (Ảnh: Hà Anh)

Đến 31/12/2022, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn dự kiến đạt 2.953.267 tỷ đồng, tăng 14,21% so với 31/12/2021.

Trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại, năm 2022, thành phố đã hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong công tác nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường tìm kiếm cơ hội giao thương, hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Thành phố đã triển khai một số các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ; tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các hoạt động hỗ trợ thông tin thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, thành phố đã thẩm định 242 hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ; cấp 13.080 giấy phép xây dựng và tổ chức kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra 187 công trình/hạng mục công trình.

Trên lĩnh vực hải quan, thành phố tổ chức thực hiện các quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài ra, thành phố thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đến trung tuần tháng 10/2022, đã thực hiện giảm thuế cho 72.272 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm là 13.212 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Tính đến trung tuần tháng 10/2022 đã gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho 18.644 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền hơn 11,9 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023: Hà Nội chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất - Ảnh 2

Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022” thảo luận giải pháp thúc đẩy gỡ khó cho doanh nghiệp. (Ảnh: Hà Anh)

Tuy nhiên, ông Quân thừa nhận trong công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.

“Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ, việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư, thẩm định phê duyệt dự án; sự thiếu quyết liệt cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư”, ông Quân nói.

Nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2025.

“Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án chậm triển khai nhiều năm. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Quân cho biết.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam