Đồng Nai: Nhiều sai phạm tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học

Là địa phương được ưu tiên phát triển Khu công nghệ cao công nghệ sinh học của Việt Nam với số tiền ngân sách không nhỏ nhưng dự án đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ngày 25/7, làm việc với tỉnh Đồng Nai về “Công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, các thành viên của đoàn Giám sát của Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng lãng phí đầu tư công tại dự án này.

Công trình xuống cấp, duy trì cầm chừng

Được thành lập theo Quyết định 865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/5/2016 với diện tích gần 208 hecta, nguồn vốn xây dựng hạ tầng gần 640 tỷ đồng, Khu công nghệ cao (KCNC) công nghệ sinh học Đồng Nai, được kỳ vọng là một trong những trung tâm khoa học công nghệ lớn trong khu vực.Đồng Nai: Nhiều sai phạm tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học - Ảnh 1

Hoang tàn trong KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, cơ sở hạ tầng nơi đây đang xuống cấp nghiêm trọng. Những nhà kính rộng hàng chục ngàn mét vuông để hoang hóa, xập xệ, không sử dụng được, hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ cao bị hư hỏng nặng, cỏ dại mọc cao quá nửa người.

Nhiều trại nuôi nhân giống vật nuôi được đầu tư hàng tỷ đồng cũng khá hoang tàn, nhiều trại để trống. Các mô hình vườn cây như: thanh long, tiêu, sầu riêng, bơ… phát triển xơ xác, hầu như đều bị dịch bệnh với tỷ lệ cây chết cao. 

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, đơn vị chủ đầu tư cho biết, hiện có 12 doanh nghiệp thuê với diện tích hơn 102 hecta, nhưng hoạt động không hiệu quả nên không tiếp tục đầu tư. Về chuyên môn, có 29 đề tài nghiên cứu kết thúc, nhưng các mô hình vướng mắc trong quá trình bàn giao, chưa có hướng đầu tư mới. Do đó, cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị được đầu tư của nhiều đề tài đang để không và ngày càng xuống cấp khiến khung cảnh tại trung tâm này khá hoang tàn, xập xệ.

Dù không hiệu quả, năm 2021, UBND huyện Cẩm Mỹ và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất phương án chuyển khu công nghệ sinh học công nghệ cao thành Khu công nghệ cao Đồng Nai, mở rộng thêm 250 hecta.

Tháng 4/2022, Thanh tra tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành về các dấu hiệu sai phạm, đầu tư kém hiệu quả, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. 

Lãng phí đầu tư công, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương

Hiện cả nước có 4 Khu công nghệ cao (KCNC) thì 3 dự án đều hoạt động hiệu quả là: Hòa Lạc, TP. HCM và Đà Nẵng. Đơn cử như KCNC TP. HCM đến nay thu hút được 165 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 11,2 tỷ USD và 60% sản phẩm CNC của thành phố được sản xuất trong khu này.

Với KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai, nhiều thành viên của đoàn giám sát của Quốc hội rất bức xúc cho rằng báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai gửi tới đoàn giám sát chưa chỉ ra cụ thể, có trách nhiệm về chi tiết dự án giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ sinh học này, chẳng hạn cơ chế như thế nào, cho thuê đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các vấn đề về xây dựng đã có giấy phép chưa hay cứ cấp đất rồi muốn xây dựng thế nào thì xây dựng... Báo cáo của UBND tỉnh không có những nhận định chủ quan, khách quan trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Đây là dự án công nghệ cao về sinh học, được Đảng và Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, đầu tư vốn ngân sách 271 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng mà chỉ thu hút 12 cơ sở, doanh nghiệp, mà cũng không còn tổ chức thực hiện các dự án. Tôi cho rằng UBND tỉnh phải đánh giá hết sức cụ thể dự án này bởi vì hiệu quả của đầu tư công và mục tiêu dự án trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nói.

Như vậy, mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai vẫn chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả. Có những sai phạm trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chưa được khắc phục triệt để… gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước, bức xúc trong dư luận.

Trước tình hình trên, nhiều thành viên của Đoàn giám sát của Quốc Hội đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần phải giải trình, làm rõ các nội dung về công tác quản lý, sử dụng đất, trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý dự án, thanh quyết toán kinh phí… không hiệu quả, gây lãng phí, chưa thực hiện đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Phương Nam

TheoVietnamFinance