Dòng sông dài hơn 500km ‘cõng’ nhiều cầu vượt nhất Việt Nam, dự kiến 2050 sẽ có thêm 10 cây cầu mới
Nằm tại miền Bắc của nước ta, dòng sông này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa lúa nước của Việt Nam.
Sông Hồng (hay còn gọi là sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) là con sông có tổng chiều dài là 1.149km bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra vịnh Bắc Bộ, trên đất Việt Nam dài khoảng 510km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Nơi tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam là tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hàng năm rất lớn, lên tới 2.640m³/s (tại cửa sông), với tổng lượng nước chảy qua là khoảng 83,5 tỷ m³. Tuy nhiên, phân bố lưu lượng nước không đều. Vào mùa khô, lưu lượng nước giảm xuống chỉ khoảng 700m³/s, trong khi vào cao điểm mùa mưa, nó có thể đạt tới 30.000m³/s.
Hiện nay, sông Hồng là con sông có nhiều cầu vượt bắc qua nhất. Tính đến thời điểm này, Hà Nội có tám cầu qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, và Việt Trì - Ba Vì.
Trong số này, cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 5,4km (bao gồm phần cầu dài 4,4km và đường dẫn hai đầu 1km), nối liền thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Cầu này rộng 16m và có 4 làn xe.
Cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C là một trong những trục giao thông chính qua sông Hồng, nằm trên tuyến đường vành đai 5 của Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là tuyến đường vành đai quan trọng liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội, kết nối mạng lưới giao thông từ các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và ngược lại. Vì vậy, cầu Vĩnh Thịnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm tải cho giao thông nội đô Hà Nội và các khu vực lân cận.
Theo đó, vai trò của cầu Vĩnh Thịnh là rất quan trọng vì nó sẽ liên kết các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao và các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội, cũng như các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và toàn quốc. Điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực Tây Bắc và cả nước.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, thiếu hụt cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong việc phát triển đô thị. Khu vực bờ Nam sông Hồng (đây là khu vực đô thị trung tâm) phát triển rất nhanh với mật độ dân cư cao, trong khi bờ Bắc (bao gồm các quận và huyện Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh…) dù có nhiều tiềm năng lại chưa phát triển được như mong đợi do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm.
Thực tế, Hà Nội cần xây dựng thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện và đồng đều của Thủ đô.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ xây thêm 10 cây cầu qua sông Hồng. Điều này có nghĩa là đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 cây cầu qua sông Hồng. Cụ thể, 10 cây cầu mới bắc qua sông Hồng sẽ bao gồm: Cầu Vân Phúc, Cầu Hồng Hà, Cầu Thượng Cát, Cầu Thăng Long mới, Cầu Tứ Liên, Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Cầu Mễ Sở, Cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Phú Xuyên và Cầu Ngọc Hồi.