Dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào TTCK, hàng loạt cổ phiếu BĐS tiếp tục bứt phá trong phiên 6/1
Thị trường chứng khoán vẫn không ngừng đi lên dù áp lực chốt lời khá mạnh. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn diễn biến tích cực và sôi động, trong đó nhiều mã được kéo lên mức giá trần.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 6/1 vẫn diễn ra theo chiều hướng tích cực dù có đôi lúc gặp phải áp lực rung lắc mạnh. Cụ thể, VN-Index chốt phiên tăng 10,66 điểm (0,94%) lên 1.143,21 điểm. Toàn sàn có 244 mã tăng, 197 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,55 điểm (1,71%) lên 211,68 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 80 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (0,52%) lên 74,82 điểm.
Tâm điểm của thị trường phiên 6/1 là nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó, CTG được kéo lên mức giá trần. Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 chiều 6/1, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2021 của ngân hàng này đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, cái tên VCB cũng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi có thời điểm được kéo lên mức giá trần, tuy nhiên, do lực chốt lời quá mạnh nên VCB chốt phiên còn tăng 5,7% lên 105.000 đồng/cp. Các mã như HDB, ACB, BID, STB… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Dù vậy, áp lực trong phiên 6/1 là rất lớn khi hàng loạt cổ phiếu bị chốt lời, trong đó, GVR, MSN, VJC, VNM, MWG, HVN… đều chìm trong sắc đỏ. GVR tiếp tục giảm sâu 2,5% xuống 28.750 đồng/cp, MSN giảm 1,1% xuống 88.300 đồng/cp, VJC giảm 0,9% xuống 123.700 đồng/cp.
Một nhóm cổ phiếu khác cũng gây sự chú ý không kém dòng ngân hàng đó là bất động sản. NVL thay thế cổ phiếu họ Vingroup dẫn dắt nhóm ngành này đi lên. Chốt phiên, NVL tăng 2,6% lên 66.700 đồng/cp và khớp lệnh 6,5 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản đều được kéo lên mức giá trần như HD6, TID, NRC, BII, UNI, NVT, NLG, NBB, DTA, OGC, ITC hay CIG. Bên cạnh đó, HPX cũng tăng đến 5,5% lên 29.800 đồng/cp, BCM tăng 4,4% lên 44.600 đồng/cp, TCH tăng 3,7% lên 20.800 đồng/cp, DRH tăng 3,4% lên 12.100 đồng/cp.
Mặc dù vậy, sự điều chỉnh đã diễn ra ở một số mã bất động sản thanh khoản cao, trong đó, KBC giảm trở lại 3% xuống 26.200 đồng/cp, NDN giảm 2,5% xuống 23.300 đồng/cp, HDG giảm 2,4% xuống 43.300 đồng/cp, FLC giảm 2,2% xuống 4.390 đồng/cp, ITA giảm 2% xuống 7.740 đồng/cp.
Thanh khoản thị trường phiên 6/1 tiếp tục lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh với 18.200 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường, giá trị gao dịch lên đến 20.780 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch là 989 triệu cổ phiếu. Bốn cổ phiếu bất động sản gồm ITA, FLC, TCH và HQC nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, ITA chỉ đứng sau STB với khối lượng khớp lệnh 22,5 triệu cổ phiếu. FLC đứng sau với 22 triệu cổ phiếu. TCH và HQC khớp lệnh lần lượt 20 triệu cổ phiếu và 17,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch vẫn khá tích cực khi mua ròng 214 tỷ đồng trên toàn thị trường. VRE, NVL và VHM là các cổ phiếu bất động sản đều nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại, trong đó, VRE được mua ròng 46 tỷ đồng, NVL và VHM lần lượt là 39 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Chiều ngư ợc lại, KBC và HDG là 2 mã bấtđộng sản bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 34 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phiên thứ ba áp dụng lô tối thiếu trên HoSE lên 100 cổ phiếu đã không thể giúp hệ thống hoạt động trơn tru đến hết phiên, nhưng tâm lý vô cùng hưng phấn của nhà đầu tư giúp cho giá trị khớp lệnh trên HoSE tiếp tục lập kỷ lục mới với 15.929 tỷ đồng. Với việc tiếp tục kết phiên ở trên ngưỡng 1.130 điểm (đỉnh tháng 2/2018) thì trên khía cạnh kỹ thuật, ngưỡng kháng cự cần chú ý tiếp theo sẽ là quanh ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018). Nếu thị trường có thể tiếp tục tăng trong tuần này thì VN-Index sẽ đạt chuỗi 10 tuần tăng liên tiếp, kỷ lục mới trong giai đoạn từ 2010 đến nay với mức tăng trong cả quá trình hiện đang tiến gần ngưỡng 25% giá trị vốn hóa. Điều này phần nào cũng cho thấy sức nóng của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tâm lý cứ mua là thắng đang tràn ngập, nhưng điều này cũng đẩy mức định giá của toàn thị trường lên cao nên nguy cơ điều chỉnh mạnh là có thể xảy ra.
SHS cho rằng, với việc các nhịp rung lắc xảy ra ngày càng thường xuyên hơn thì một đợt điều chỉnh có thể đang đến gần để giảm sức nóng của thị trường. Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bảo vệ lợi nhuận đã đạt được trước đó và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn lần lượt quanh 1.085 điểm (MA20) và 1.020 điểm (MA50) để tham gia trở lại./.