Lợi dụng lúc giá cổ phiếu 'thăng hoa', ngân hàng dồn dập phát hành cổ phiếu tăng vốn
Trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu hiện đang là trào lưu của nhiều ngân hàng. Đặc biệt, câu chuyện tăng vốn điều lệ tại Big4 lại nóng.
Ngân hàng dồn dập tăng vốn
Cuối năm 2020, tranh thủ đà tăng giá của cổ phiếu "vua", loạt ngân hàng đồng phát hành cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.
Tại Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ gần 12,5% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Trước đó, ngày 1/9/2020, Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.
Đầu tháng 10/2020, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 10.959 tỷ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%. Dự kiến OCB sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong quý I/2021. Trước đó, cuối tháng 6/2020, OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài Aoroza Bank, giá trị thương vụ khoảng 160 triệu USD.
Tại HDBank, Ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 16.088 tỷ đồng thông qua chia cổ tức đợt 2/2019, ngay sau khi hoàn thành tăng vốn đợt 1/2020 từ 9.810 tỷ đồng lên 12.707 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ đợt 1/2020 được HDBank thực hiện thông qua phát hành 289,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức đợt 1/2019 và thưởng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 30% từ nguồn vốn chủ sở hữu.
HDBank tiếp tục triển khai tăng vốn điều lệ lên 16.088 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức đợt 2/2019. Tỷ lệ phát hành là 26,92% tính theo số lượng cổ phiếu lưu hành theo vốn mới, tương đương với tỷ lệ 35% tính trên số lượng cổ phần lưu hành tại thời điểm ĐHCĐ thông qua nghị quyết về tăng vốn điều lệ năm 2020.
Tháng 10/2020, LienVietPostBank được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên 10.746 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019.
Mới đây, Viet Capital Bank vừa thông báo ngày 4/1/2021 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 9:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào bán hơn 352 tỷ đồng. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 8-27/1/2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 hồi tháng 8/2020, cổ đông Viet Capital Bank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.077 tỷ đồng. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, việc tăng vốn đã được lên kế hoạch và đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Tại một số các ngân hàng khác như VIB tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng.
SHB đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn tăng thêm đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...
Theo chia sẻ từ các chuyên gia tài chính, các ngân hàng cấp tập tăng vốn thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II. Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ thì hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế, cho nên các ngân hàng đã chạy đua tăng vốn ngay từ bây giờ.
Big 4 ngân hàng lại "nóng" chuyện tăng vốn điều lệ
Tăng vốn không chỉ cần thiết đối đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, đây còn là vấn đề bức thiết ở các ngân hàng lớn, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chưa thể thực hiện trong suốt thời gian qua.
4 ngân hàng nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) sở hữu chi phối, cũng là 4 ngân hàng quy mô lớn nhất hệ thống (big4), luôn gặp vấn đề tăng vốn điều lệ không kịp quy mô tăng trưởng. Kiến nghị tăng vốn là đề xuất nhiều năm của lãnh đạo các ngân hàng này.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, hiện nay vốn điều lệ của ngân hàng đạt 40.200 tỷ đồng lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II. Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu. (Trong 3 năm 2017. 2018, 2019 BIDV đã nộp cổ tức cho ngân sách là 22%, 2 năm 2019, 2020, BIDV nộp ngân sách là 13.800 tỷ đồng – 2019: 8.160 tỷ đồng; 2020: 5.640 tỷ đồng)
Cùng câu chuyện tăng vốn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước cho thời gian 5 năm để tránh bị động, đáp ứng được nhu cầu hoạt động.
Ông Ấn cho biết, tới đây mặc dù được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ của năm 2019 thì hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6% và nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7%, thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, trong năm 2021 Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 12 - Nghị định 91/2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó ngân hàng được thêm vào danh sách cho phép đầu tư bổ sung vốn nhà nước, áp dụng với các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Điều chỉnh này tạo cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư để tăng vốn điều lệ. Vì vậy, cả 3 ngân hàng này đều đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức.
Đáng lưu ý, tăng được vốn đã không đơn giản, nhưng sử dụng vốn tăng thêm sao cho hiệu quả cũng tạo áp lực không hề nhỏ lên các ngân hàng.