Dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều, Việt Nam đón tín hiệu khởi sắc

Trong khi dòng vốn đầu tư toàn cầu bắt đầu rời Mỹ tới những bến đỗ mới, Việt Nam ghi nhận loạt tín hiệu tích cực cả về vĩ mô và chính sách: rủi ro hạ nhiệt, khối ngoại mua ròng trở lại, Nghị quyết 68 được ban hành, mở ra kỷ nguyên mới cho kinh tế tư nhân.

Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có dấu hiệu dịch chuyển khi chứng khoán Mỹ bắt đầu chững lại, trong khi thị trường châu Âu phục hồi mạnh mẽ, mở ra khả năng đảo chiều của dòng tiền tìm đến những "miền đất hứa" mới. Trong khi đó, Việt Nam ghi nhận loạt tín hiệu tích cực cả về vĩ mô và chính sách: chỉ số rủi ro quốc gia (CDS) giảm, khối ngoại quay lại mua ròng mạnh và Nghị quyết 68 vừa được ban hành – đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân.

Đó là những chuyển động đáng chú ý của thị trường tài chính mà ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân tại Yuanta Việt Nam, chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Dòng vốn đầu tư rời Mỹ tìm “miền đất hứa” mới

Về tình hình tài chính toàn cầu, ông Nguyễn Thế Minh cho hay, thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần điều chỉnh nhẹ. Chỉ số S&P500 giảm 0,47%, tiến sát đường trung bình 200 ngày. Giới đầu tư thể hiện tâm lý giao dịch thận trọng hơn khi quan sát kết quả từ các cuộc đàm phán chính sách cũng như động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Điểm đáng chú ý là chỉ số Equal-weight S&P500 – đại diện cho hiệu suất trung bình của tất cả cổ phiếu trong chỉ số S&P500, không bị chi phối bởi nhóm vốn hóa lớn – đang giao dịch quanh mức P/E 17 lần.

“Con số này gần với mức trung vị lịch sử 20 năm, cho thấy đây là mức định giá hợp lý”, ông Minh đánh giá.

Định giá của thị trường chứng khoán Mỹ về mức hợp lý (Nguồn: Goldman Sachs)
Định giá của thị trường chứng khoán Mỹ về mức hợp lý (Nguồn: Goldman Sachs)

Trái ngược với nhịp điều chỉnh tại Mỹ, chứng khoán châu Âu ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tuần. Nổi bật nhất là chỉ số DAX của Đức – đại diện cho nền kinh tế đầu tàu của khu vực – đã xác lập mức đỉnh lịch sử mới.

Diễn biến chỉ số chứng khoán DAX (Nguồn: Tradingview)
Diễn biến chỉ số chứng khoán DAX (Nguồn: Tradingview)

Theo ông Nguyễn Thế Minh, dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng bắt đầu ghi nhận dấu hiệu đảo chiều khi rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và quay lại các thị trường châu Âu, nơi được đánh giá đang phục hồi vững chắc sau giai đoạn kiểm soát thành công lạm phát.

Mức chênh lệch giữa dòng vốn vào Mỹ và châu Âu – vốn mở rộng kể từ sau đại dịch Covid-19 – đang thu hẹp trở lại được kỳ vọng sẽ đảo chiều thu hẹp trong giai đoạn toán khi lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt nhiều khó khăn về lạm phát và kinh tế châu Âu đang dần hồi phục sau giai đoạn hạ nhiệt lạm phát thành công.

Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu
Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu

Việt Nam: Rủi ro hạ nhiệt, kỳ vọng khởi sắc

Tại thị trường trong nước, bức tranh kinh tế – tài chính đang xuất hiện những gam màu sáng hơn. Một trong những tín hiệu tích cực nhất là chỉ số CDS (Credit Default Swap) kỳ hạn 5 năm của Việt Nam – thước đo mức độ rủi ro tín dụng quốc gia – đã hạ nhiệt sau khi tăng vọt lên mức 150 điểm vào đầu tháng 4, thời điểm xuất hiện lo ngại về tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

“Điều này cho thấy rủi ro quốc gia cũng như các rủi ro dài hạn đã hạ nhiệt khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, phản ánh kỳ vọng rằng Việt Nam có thể đạt được đàm phán tích cực trong vài tuần tới”, ông Minh nhận định.

Diễn biến chỉ số CDS 5 năm và chỉ số VN-Index (Nguồn: Bloomberg)
Diễn biến chỉ số CDS 5 năm và chỉ số VN-Index (Nguồn: Bloomberg)

Tín hiệu cải thiện niềm tin tiếp tục được củng cố khi khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán với giá trị 1.222 tỷ đồng trong tuần giao dịch từ 5–9/5 – mức cao nhất kể từ đầu năm.

Về mặt chính sách, một điểm nhấn quan trọng trong tuần qua là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Không chỉ dừng lại ở định hướng chiến lược, Nghị quyết này còn đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng.

Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, tương đương khoảng 20 doanh nghiệp/nghìn dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 10–12% mỗi năm, đóng góp 55–58% GDP, 35–40% thu ngân sách nhà nước, giải quyết 84–85% việc làm xã hội và đạt tốc độ tăng năng suất lao động từ 8,5–9,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết đặt mục tiêu Việt Nam có khoảng 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP, đồng thời lọt vào nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và top 5 châu Á về đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số.

“Trước những thách thức và thay đổi tình hình kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ sẽ buộc phải thúc đẩy nền kinh tế trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam song song với các biện pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư công”, ông Minh đánh giá.

Một yếu tố khác đang nhận được sự quan tâm đặc biệt là quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 10/5, với mức tăng 4,8%, nâng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204 đồng/kWh. Theo ước tính của Yuanta Việt Nam, điện chỉ chiếm khoảng 3% trong rổ CPI, nên mức tăng giá điện lần này dự kiến chỉ khiến CPI cả năm 2025 tăng thêm khoảng 0,07 – 0,10 điểm phần trăm. Với mục tiêu lạm phát dưới 4,5% mà Chính phủ đề ra, tác động này được đánh giá là không đáng kể ở góc độ vĩ mô.

Tuy nhiên, ảnh hưởng ở cấp độ doanh nghiệp lại có độ phân hóa mạnh. Theo đại diện Yuanta Việt Nam, các doanh nghiệp phát điện sẽ là nhóm hưởng lợi trước tiên, nhờ khả năng thanh toán của EVN được cải thiện, qua đó hỗ trợ dòng tiền và kết quả kinh doanh. Nhóm xây lắp điện cũng có triển vọng tích cực hơn khi tình hình tài chính của EVN khởi sắc, mở ra dư địa để triển khai hiệu quả các dự án nguồn và lưới điện. Trong số này, các cổ phiếu như GEG và REE được đánh giá tích cực.

Các ngành chịu tác động tiêu cực khi giá điện tăng
Các ngành chịu tác động tiêu cực khi giá điện tăng

Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, giấy, hóa chất… sẽ phải đối mặt với áp lực tăng chi phí đầu vào, kéo theo khả năng suy giảm biên lợi nhuận trong ngắn hạn.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance