DongA Bank trước giờ chuyển giao bắt buộc

Cùng với GPBank, DongA Bank được chính thức chuyển giao bắt buộc. Đây là một cột mốc quan trọng, mở ra chương mới trong hành trình tái cơ cấu của DongA Bank.

Tiếc cho DongA Bank một thời

Trong những ngày đợi dọn về “nhà mới”, nhiều câu chuyện tưởng chừng đã cũ của DongA Bank một lần nữa được quan tâm trở lại. Tiếc cho DongA Bank là cảm xúc chung của nhiều người khi nhà băng từng nằm trong top 10 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống, lại rơi vào cảnh “sa chân lỡ bước”.

Trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, không quá lời khi nói DongA Bank là một trong những ngân hàng đi đầu về công nghệ. Giai đoạn 2003 – 2007, DongA Bank là ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam.

Thời điểm đó, khi các ngân hàng bạn chưa đẩy mạnh phát triển công nghệ thẻ, DongA Bank đã mời những chuyên gia tầm cỡ quốc tế về thẻ về làm việc. Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, ngân hàng này đã ghi nhận 2 triệu khách hàng sử dụng – con số đáng mơ ước lúc bấy giờ.

Sang đến giai đoạn 2008 – 2012, DongA Bank lại một lần nữa tiên phong khi trở thành ngân hàng đầu tiên tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động. Giai đoạn này, ngân hàng sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại. Đồng thời, DongA Bank cũng là ngân hàng đầu tiên phát triển 2 kênh giao dịch tự động và điện tử.

DongA Bank trước giờ chuyển giao bắt buộc - Ảnh 1
Bức tranh kinh doanh của DongA Bank trước khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.

Với những thành tựu đó, không có gì lạ khi DongA Bank liên tục sở hữu lợi nhuận khủng. Thời kỳ hoàng kim của ngân hàng này là năm 2011 khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 950 tỷ đồng. Vốn điều lệ của DongA Bank, tăng từ 20 tỷ đồng khi thành lập năm 1992 lên 4.500 tỷ đồng năm 2011.

Với những gì mà DongA Bank đã làm được, ít ai ngờ rằng chỉ 1 năm sau đó, nhà băng này rơi thẳng từ đỉnh cao xuống vực sâu. Việc mắc kẹt trong cuộc chơi vàng, bất động sản cùng với những sai phạm nghiêm trọng của những người đứng đầu khiến tình hình kinh doanh tại DongA Bank rơi vào cảnh khốn đốn.

Kể từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng liên tục giảm, từ 577 tỷ đồng vào năm 2012 xuống còn 27 tỷ đồng năm 2014. Nợ xấu của ngân hàng, lại tỷ lệ nghịch, tăng chóng mặt, chiếm xấp xỉ 4% dư nợ tính đến cuối năm 2014.

Ở giai đoạn này, DongA Bank từng đặt “ngôi sao hi vọng” vào việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần để xử lý nợ xấu và trở thành một trong những ngân hàng thương mại tự tái cơ cấu thành công mà không cần đến sự trợ giúp của Nhà nước. Dẫu vậy, sau mọi nỗ lực, ngày 14/8/2015, DongA Bank chính thức bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đằng sau hành trình thăng trầm của DongA Bank không thể không nhắc đến ông Trần Phương Bình, người gắn bó với ngân hàng từ khi mới thành lập và góp phần không nhỏ trong việc đưa DongA Bank trở thành ngân hàng tiên phong ở nhiều mặt. Thế nhưng, chính vị “công thần” này lại cũng gián tiếp tạo ra một chương tăm tối trong lịch sử phát triển của DongA Bank.

Theo kết quả điều tra, hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình và những lãnh đạo khác của DongA Bank trước năm 2015 là nguyên nhân dẫn đến việc DongA Bank lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Bức thư viết tay của ông Trần Phương Bình.
Bức thư viết tay của ông Trần Phương Bình.

Bản thân ông Bình cũng đã thừa nhận về sai lầm của mình trong bức thư viết tay gửi khách hàng, cổ đông và nhân viên DongA Bank.

"Trong quá trình điều hành, tôi đã đưa ra được những chiến lược, những chương trình hành động, đưa DongA Bank trở thành ngân hàng của đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm công nhân, nông dân, phụ nữ, sinh viên, người về hưu… Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tôi cũng đã có những quyết sách, những hành động trong điều hành dẫn đến kết quả xấu như hiện nay", ông Bình viết.

Vị doanh nhân này từng ví DongA Bank như một đứa con của mình, “chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh”. Thế nhưng với những sai phạm nghiêm trọng, ông Bình không chỉ không bảo vệ được đứa con ấy, mà còn đẩy bản thân vướng vào vòng lao lý.

Người đàn ông luôn đau đáu với DongA Bank đã phải cúi đầu xin lỗi: “Tôi thành thật xin lỗi toàn thể cổ đông và tất cả cán bộ, công nhân viên ngân hàng… Một lần nữa, tôi cúi đầu nhận lỗi trước tất cả mọi người…”

Trước tiên phong, sau phong ba

Kể từ khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongA Bank không còn công bố báo cáo tài chính. Tình hình kinh doanh của DongA Bank chỉ được cập nhật ngắn gọn thông qua báo cáo quản trị của ngân hàng. Theo báo cáo quản trị năm 2024 được DongA Bank công bố ngày 15/1 vừa qua, bức tranh kinh doanh của ngân hàng này vẫn nhuốm màu ảm đạm.

Theo đó, DongA Bank cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tín dụng như khó khăn trong tăng trưởng tín dụng mới và nợ xấu tăng cao. Tình hình kinh doanh của ngân hàng và một số đơn vị kinh doanh lợi nhuận âm vẫn kéo dài, vẫn lỗ và có xu hướng gia tăng so với năm trước.

Trước đó, theo cập nhật gần nhất đến cuối năm 2021, DongA Bank gánh khoản lũy kế lên tới 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó vốn chủ âm 6.855 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, DongA Bank lỗ trước thuế 1.611 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của ngân hàng đạt 62.262 tỷ đồng.

DongA Bank trở thành hố chôn tiền của các cổ đông.
DongA Bank trở thành hố chôn tiền của các cổ đông.

Tính đến ngày 31/12/2014, vốn điều lệ của DongA Bank là 5.000 tỷ đồng, trong đó, những cái tên cổ đông đáng chú ý gồm có CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (nắm giữ 10%), PNJ (7,7%), Văn phòng Thành ủy TP.HCM (6,9%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (3,78%), CTCP Vốn An Bình (2,73%), Công ty TNHH MTV XD và KD Nhà Phú Nhuận (2,14%), cùng một số cổ đông cá nhân khác.

Việc không được mua bán, chuyển nhượng cổ phần trong 10 năm qua khiến các cổ đông lớn, nhỏ của DongA Bank chỉ biết ngậm ngùi nhìn tiền “đóng băng”. Công ty PNJ của CEO Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình cũng từng có thời gian khốn đốn vì khoản đầu tư tài chính vào DongA Bank.

PNJ với khoản đầu tư hơn 395,2 tỷ đồng tại DongA Bank.
PNJ với khoản đầu tư hơn 395,2 tỷ đồng tại DongA Bank.

Báo cáo tài chính quý III/2024 của PNJ vẫn ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn trị giá hơn 395,2 tỷ đồng vào DongA Bank. Với việc trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư này, PNJ đã xác định sẽ mất trắng số vốn “rót” vào DongA Bank.

Trên thực tế, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, sau khi được chuyển giao bắt buộc về một ngân hàng khác, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng như DongA Bank sẽ chấm dứt.

Theo thông tin cập nhật, DongA Bank sẽ được chuyển giao về dưới mái nhà của HDBank. Với bức tranh tài chính lỗ kéo dài và những vấn đề tồn đọng, thử thách đặt lên vai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không chỉ là gánh nặng tài chính, mà còn là một nhiều vấn đề về công nghệ, nhân lực, văn hóa, chiến lược. Và vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định, phán đoán về chặng đường mới của DongA Bank.

Khanh Tú

Theo Vietnamfinance