Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình: Phương án tối ưu

Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình nếu bảo đảm được an toàn thi công, vận hành hài hòa, hợp lý sẽ mang lại nguồn lợi lớn

Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình nếu bảo đảm được an toàn thi công, vận hành hài hòa, hợp lý sẽ mang lại nguồn lợi lớn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Theo báo cáo, dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng; tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh. Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt 2.400 MW.

Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình: Phương án tối ưu - Ảnh 1
Dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình đã được khởi công

Dựa trên các thông số công bố, TS Đào Trọng Tứ nhận xét chủ trương xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng giai đoạn hai là hoàn toàn đúng đắn.

Chỉ ra những điểm tích cực cần phải thực hiện dự án này, TS Đào Trọng Tứ cho biết:

Thứ nhất, dự án có tổng công suất đặt máy 480 MW, công suất rất lớn, lớn hơn nhiều so với thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Thác Bà hay những thủy điện vừa là nạn nhân của vùng lũ miền Trung như Rào Trăng 3, rào Trăng 4...

Cụ thể, công suất gấp hơn 1 lần thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Tuyên Quang với 3 tổ máy nhưng chỉ có công suất 342 MW, tổng vốn đầu tư cũng lên tới 7.500 tỷ đồng, gấp 4 lần thủy điện Thác Bà 2, thủy điện này có công suất 108 MW nhưng tổng mức đầu tư cũng lên tới 575 tỷ đồng.

Thứ hai, đầu tư tiết kiệm, hạ tầng có sẵn, không gây tác động lớn tới sự ổn định của dòng sông.

TS Đào Trọng Tứ so sánh, dự án Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW, tổng số vốn đầu tư là 290 tỉ đồng nhưng diện tích đất dự kiến sử dụng lên tới 11,1 ha đất rừng, gồm khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là nhà máy và công trình phụ trợ.

Trong khi dự án mở rộng này sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha; trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.

Hơn nữa, phần diện tích sử dụng đất thêm chủ yếu làm đường hầm trên phần bờ của tuyến đập có sẵn để đưa tuabin qua, tận dụng nguồn nước từ thủy điện Sơn La, Lai Châu chảy về. Dự án không phải làm đập, không phá rừng, không di dân, chỉ cần đào hầm, tạo nên hệ thống hoạt động với công suất lớn. Vì thế, không làm thay đổi, hay đụng chạm tới bất kỳ vấn đề gì liên quan tới môi trường, sự ổn định của dòng sông.

Nếu tính toán với một dự án đầu tư mới có công suất tương đương, quá trình thi công cũng như kỹ thuật, đầu tư, việc tác động tới môi trường, sử dụng đất đai, phá rừng, những tác động tới sự ổn định dòng sông sẽ rất kinh khủng.

Tuy nhiên dự án này đã tận dụng được tối đa những ưu thế của dự án cũ để phát triển, vừa kinh tế vừa tránh được lãng phí, cần được khuyến khích.

Mặt khác, dự án lại tận dụng được lợi thế từ thiết kế thủy điện bậc thang từ Lai Châu, Sơn La, tới Hòa Bình, với hạ tầng có sẵn chỉ cần điều chỉnh hài hòa là đã tận dụng được tốt nhất nguồn nước, tạo nên nguồn điện lớn sau này, góp phần nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

"Rất nhiều lợi thế khi thực hiện dự án", ông Tứ nhấn mạnh.

Vấn đề vị chuyên gia băn khoăn nhất là an toàn trong quá trình thi công. Ông nhắc lại sự cố tại Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 như lời cảnh báo và cho rằng biện pháp thi công an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu. Bằng mọi cách phải bảo đảm an toàn cho quá trình thi công. 

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp bảo đảm an toàn cho hồ chứa và người dân cùng hạ du. Ông cho biết, khi nâng công suất hoạt động cũng đồng nghĩa với khối lượng tích trữ nước trong hồ lớn hơn, trong khi, thủy điện làm ngầm, do đó, quy trình vận hành cũng như các biện pháp an toàn phải được tính toán kỹ lưỡng.

Lam Lam

Theo Đất Việt