Đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư
Đà Nẵng bước vào hành trình mới bảo vệ danh xưng “đáng sống”, đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn là trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới.
4 mảnh ghép còn thiếu để hoàn thiện bức tranh du lịch Đà Nẵng
Tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 27/6, Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng hiện có 5 trụ cột tạo sự đột phát rõ nét đó là Sản phẩm du lịch văn hoá di sản: trong bán kính 50-70km có 4-5 di sản văn hoá; Sản phẩm du lịch MICE: Đà Nẵng có thương hiệu là “Điểm đến tổ chức sự kiện hàng đầu châu Á”; Du lịch đô thị: Đà Nẵng là thành phố trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; du lịch sinh thái rừng núi sông hồ. 5 trụ cột này đã tạo nên bản sắc của du lịch Đà Nẵng. Có thể nói, Đà Nẵng rất có nhiều tiềm năng và khả năng trở thành trung tâm du lịch là rất rõ. Tuy nhiên, để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn còn thiếu một vài mảnh ghép.
Ông cũng đề xuất 4 mảnh ghép quan trọng giúp Đà Nẵng hoàn thiện mình hơn để bảo vệ danh xưng “đáng sống”.
Thứ nhất, cần phải phát triển du lịch vịnh biển. Ông Cao Trí Dũng cho rằng: “Đà Nẵng cần khai thác được hệ sinh thái ra ngoài vịnh quanh bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Làng Vân, Bãi đá đen, Cát Vàng, Tiên Sa, Bãi Nam… Các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước… hiện rất ít, hầu như chưa có, mà chỉ có các sản phẩm ở trên bờ biển. Đây sản phẩm du lịch Đà Nẵng rất thiếu để có thể cạnh tranh với các điểm đến du lịch biển khác”. Bên cạnh đó, du lịch thuỷ nội địa Cổ Cò cũng phải thông bằng được bởi đây là sản phẩm rất quan trọng của ĐN. Nếu không thông được thì các sản phẩm suốt hai bên bờ như làng nghề, du lịch vui chơi giải trí, đô thị, mua sắm… sẽ không có đầu ra.
Thứ hai, về loại hình du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm, show diễn, đặc biệt trải nghiệm về đêm Đà Nẵng đã có nhưng vẫn thiếu. Hiện, Đà Nẵng cần có phố đi bộ, chợ đêm, đặc biệt show diễn. Đà Nẵng là trung tâm du lịch nhưng lại rất thiếu show diễn. Hàng Châu có show diễn Tống Thành, Hội An có “Ấn tượng Hội An”, nhưng Đà Nẵng chưa có một show diễn nào đủ đẳng cấp để khách đến xem buổi tối. Sở Du lịch Đà Nẵng hiện đang rất quyết tâm để mang những trải nghiệm đêm hấp dẫn như thế đến với du khách. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm lớn về đêm cũng chưa có, đây cũng là mảnh ghép cần đẩy mạnh.
Thứ 3, Đà Nẵng được định vị là thành phố thì cần thêm nhiều sự kiện hấp dẫn hơn nữa. Lễ hội Pháo hoa quốc tế sẽ quay lại trong 8 tuần liên tiếp chính sự kiện mà cộng đồng du lịch rất mong chờ. Mong sao Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều sự kiện như thế nữa để bổ sung vào chuỗi hoạt động và hút thêm được nhiều du khách. Các sự kiện cần vừa phối hợp nguồn lực nhà nước vừa xã hội hoá từ các nhà đầu tư lớn, thương hiệu lớn để họ đăng ký hàng năm luôn.
Thứ 4, Đà Nẵng được xác định là thành phố đáng đến và đáng sống, đặc biệt, được định vị là thành phố đẳng cấp. Rất nhiều đối tác đặt câu hỏi có bao nhiêu thương hiệu khách sạn lớn của thế giới có mặt ở Đà Nẵng. Có thể khẳng định, Đà Nẵng có gần như đầy đủ các thương hiệu lớn đẳng cấp nhất thế giới, các thành phố lớn khác trên cả nước đều không so sánh được với Đà Nẵng như Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Hiện đã có tour trực thăng rồi, Đà Nẵng cần đưa thêm nhiều dịch vụ sang trọng nữa, trong đó có du thuyền. Đà Nẵng phải sản xuất được du thuyền, phải có trung tâm du thuyền. Hiện, Cảng Tiên Sa đã quy hoạch, nhưng phải sớm có nhà đầu tư, có quy hoạch, có định hướng sản phẩm để khai thác và đưa khách về. Đà Nẵng nằm ngay trên hải lưu giao thương trong ngành du lịch du thuyền, trong khi đó du thuyền khối Đông Bắc có rất nhiều khách hàng từ Thượng Hải, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan,… Dòng khách này hiện nay đi nhiều về phía Nam như Phuket, Bali – đó là những điểm đến rất xa, trong khi đến Đà Nẵng lại rất gần, chỉ đi 1 đêm là tới. Vì vậy, Đà Nẵng phải nâng tầm đẳng cấp bằng những sản phẩm như thế.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, khi nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước. Ông cũng cho rằng, để trở thành một thành phố đáng sống thì trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Hiện danh sách 10 thành phố đáng sống của thế giới chưa có tên Đà Nẵng, thành phố này mới chỉ có biển lọt vào top biển đẹp toàn cầu, ông Chính nói.
Định hướng Đà Nẵng là nơi “đáng đến” và “đáng sống”
Cũng tại hội thảo sáng nay, phân tích tại sao Đà Nẵng lại đáng đến, đáng sống, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng vì Đà Nẵng đẹp, lạ, vì tính nhân văn, khả năng đáp ứng các nhu cầu kết nối thuận lợi. Lý do đến Đà Nẵng cũng gồm việc đến để tận hưởng cuộc sống, để khám phá và trải nghiệm (ngắn hạn cho du khách).
Về lý do “đáng sống”, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá vì Đà Nẵng có thiên nhiên đẹp, xã hội yên bình, con người thân thiện, đô thị thông minh, chính quyền “tốt”, môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, dưới góc nhìn vĩ mô, tổng quan về định hướng phát triển của Đà Nẵng để xứng tầm vị thế là thành phố đáng sống, đáng trải nghiệm và đáng đến để đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới, sau dịch bệnh, những đòi hỏi trong chuyển dịch cơ cấu, phát triển bền vững, phát triển xanh, thông minh là cốt lõi.
Đà Nẵng đang có những gì và đang cần những gì để có thể kiến tạo nên diện mạo mới, theo TS. Trần Đình Thiên thì Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu.
Đại diện doanh nghiệp du lịch hàng đầu tại Đà Nẵng là Sun Group, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World thông tin về định hướng sản phẩm mới mà Sun Group sẽ đem đến cho Đà Nẵng thời gian tới là “phá rào”, làm mới những điểm đến cũ để thành phố “đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa, nhiều trải nghiệm độc đáo hơn nữa”.
Theo đó, Sungroup không chỉ mang tới một mùa hè 2022 sôi động cho Đà Nẵng với nhiều sự kiện và lễ hội đẳng cấp trong chuỗi lễ hội Take me to the Sun, tới cuối năm 2022, Sun Group sẽ ra mắt 3 show diễn mới là show Núi lửa, show Bông hồng vàng và show Piano bay tại Sun World Ba Na Hills.
Năm 2023, công trình Hầm rượu Bà Nà cũng được hoàn thành. Đây là công trình có kiến trúc đặc biệt ấn tượng, và là nơi du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất rượu vang chuẩn Pháp cũng như thưởng thức những loại vang được làm ngay tại Bà Nà.
Theo bà Nguyện, Sungroup đã đồng hành, gắn bó với Đà Nẵng suốt những năm và tới đây Sungroup sẽ thực sự “mở” với những sản phẩm mới để hút dòng khách du lịch chất lượng, đẳng cấp và cả các nhà đầu tư các dự án trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng, đẳng cấp.