Bứt phá trong đầu tư dự án Đà Nẵng: 7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư

Chiều ngày 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 do thành phố Đà Nẵng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức. Tại sự kiện này, Đà Nẵng công bố 7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Diễn phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 (Nguồn ảnh: Báo đầu tư)  
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Diễn phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 (Nguồn ảnh: Báo đầu tư)  

Cùng dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế…

Kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song đó là thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Hiện nay, thành phố đã kiểm soát tốt Covid-19, đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh: “Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, với quan điểm xuyên suốt trong điều hành nền kinh tế, thành phố xác định đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng  
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng  

Tại diễn đàn, ông Minh thông tin về định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm: Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế. Để hiện thực hóa định hướng nêu trên, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm gồm: cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Không gian sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm thương mại quốc tế; Bệnh viện quốc tế; Viện dưỡng lão và Trường liên cấp quốc tế.

Đà Nẵng với những thế mạnh nội tại của mình chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng – an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư hiến kế, cam kết đồng hành cùng thành phố phát triển

Tại diễn đàn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính khách đã nêu ra những hiến kế để thành phố cải thiện môi trường đầu tư đồng thời cam kết đồng hành cùng thành phố phát triển mạnh hơn nữa để Đà Nẵng trở thành nơi đáng sống.

Bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công, đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài. Bà cũng cho biết: “thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới đã khởi động một nhóm làm việc chung sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để hỗ trợ toàn diện thành phố trong việc tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng bằng cách cùng giải quyết những thách thức phức tạp nhất của thành phố”.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cam kết đóng góp kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng (Nguồn ảnh: Báo Đầu tư)  
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cam kết đóng góp kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng (Nguồn ảnh: Báo Đầu tư)  

Từ góc độ tài chính, bà Carolyn Turk cho rằng sẽ cần thêm nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng; đồng thời nhìn nhận tiềm năng để Đà Nẵng có thể là một mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển. Đà Nẵng cần thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực của khu vực tư nhân, cả nước ngoài và trong nước, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số; dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; sản xuất công nghệ cao; phát triển việc giảm thiểu các-bon và du lịch.

Trong khi đó, ông Yamada Takyo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: “Tôi tin rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. So với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp còn rẻ, nguồn nhân lực dồi dào. Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của thành phố bằng cách lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng để thành phố ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa”.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT đã dần hiện thực hoá cam kết với thành phố, như thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, đô thị thông minh, tạo hàng chục ngàn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn, góp phần giúp Đà Nẵng gần đây liên tục được vinh danh là thành phố thông minh, chuyển đổi số trên các bảng xếp hạng của Việt Nam và khu vực…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Diễn đàn (Nguồn ảnh: Báo Đầu tư)  
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Diễn đàn (Nguồn ảnh: Báo Đầu tư)  

Ông Bình cũng khẳng định: “FPT sẽ đồng hành cùng Đà Nẵng lập nên kỳ tích trong kỷ nguyên số với các giải pháp như: Phát triển platform/hạ tầng CNTT trong các lĩnh vực như blockchain, AI…, hỗ trợ cộng đồng học tập, trau dồi, nâng cao kiến thức, phát triển giải pháp. Và mong muốn Đà Nẵng sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng thay đổi cách dạy và cách học; Nâng cao 10 lần số doanh nghiệp start-up; Xem xét đầu tư vào các công ty phát triển công nghệ mới, hỗ trợ khởi nghiệp; Tiếp tục đầu tư các khu công nghệ thông tin tập trung”.

Về phía Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cũng cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng để xây dựng một thành phố phát triển nhất ở Việt Nam và khu vực.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sumitomo Khu vực châu Á và châu Đại Dương Keigo Shiomi thông tin, cùng với Tập đoàn BRG, Tập đoàn Sumitomo đã ký kết biên bản ghi nhớ với thành phố Đà Nẵng vào tháng 11-2021 về phát triển cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng.

Hiện, Tập đoàn đang trong quá trình nghiên cứu dựa trên Biên bản ghi nhớ với sự hợp tác của thành phố Đà Nẵng. Bằng việc hợp tác với Chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn BRG, tận dụng kinh nghiệm mà Tập đoàn đã tích lũy được trên toàn thế giới, Tập đoàn mong muốn tận dụng triệt để thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án được phê duyệt ngày hôm nay để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm phát triển giải pháp về linh kiện cho xe hơi của Tập đoàn LG tại Đà Nẵng đưa ra 3 đề xuất cho thành phố liên quan đến cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, để phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố với nền tảng công nghệ thông tin cần có sự hợp tác với các công ty toàn cầu và chìa khóa của hợp tác chính là sự giao tiếp. Tiếp theo là kế hoạch bảo đảm nhân lực ngắn hạn.

Theo doanh nghiệp, tất cả các công ty công nghệ thông tin cần phải có ngay những kỹ thuật viên tay nghề cao, nhưng nhân lực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng chưa đủ đáp ứng. Vì thế, doanh nghiệp đang đều đặn tuyển dụng để đưa nhân lực từ bên ngoài đến Đà Nẵng. Nếu chính quyền thành phố có thể cung cấp những chính sách hấp dẫn như ưu đãi về thuế… dành cho những nhân lực không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty. Cuối cùng, việc đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đúng thời hạn công trình Khu Công viên phần mềm số 2 là nguyện vọng cấp thiết của nhiều công ty công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.

Sở hữu tiềm năng lớn, lợi thế và cơ hội nổi trội

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn những lời nhận xét tốt đẹp của nhà đầu tư quốc tế về Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Đó là cơ sở để Việt Nam tiếp tục cố gắng cải thiện môi trường đầu tư phù hợp. Việt Nam cam kết với các nhà đầu tư về xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, công khai với lợi ích hài hòa giữa các bên.

Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Trong đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để cùng phát triển xuyên suốt. Thủ tướng khẳng định sự phát triển của kinh tế Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững, phát triển vì mục tiêu bảo vệ con người và tối đa quyền con người. Bên cạnh đó, yếu tố con người luôn là trung tâm và mục tiêu của phát triển, là chủ thể và động lực của Việt Nam.

Đối với thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội. Trong những năm qua, cụ thể là từ khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt; thể hiện tinh thần, kết quả “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Đà Nẵng và các nhà đầu tư tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị; phát triển thị trường vốn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp dược, thiết bị, vật tư y tế; công nghiệp có tính chất nền tảng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp, chính đáng tại Việt Nam. Với những cơ hội thuận lợi và tiềm năng, lợi thế rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng thời gian tới Đà Nẵng sẽ bứt tốc trong công tác thu hút đầu tư, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra.

Hà Thu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển