Đường băng sân bay quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên cần hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp
Đường băng và đường lăn của sân bay đã quá tuổi thọ thiết kế 8 năm.
Sân bay quốc tế Liên Khương (Lâm Đồng) cần được sửa chữa đường băng và đường lăn với tổng mức đầu tư 1.045 tỷ đồng. Đây là dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất và trình Bộ Giao thông vận tải. Theo ACV, đường băng và đường lăn của sân bay Liên Khương đã quá tuổi thọ thiết kế 8 năm. Việc sửa chữa là cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay.
Sân bay Liên Khương có lịch sử phát triển hơn 90 năm. Xây dựng từ năm 1933 bởi người Pháp, được người Mỹ tu sửa và nâng cấp từ năm 1956. Năm 1997, đường băng của sân bay được kéo dài từ 1.480m lên 2.354m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO.
Từ năm 2003 đến 2007, sân bay Liên Khương tiếp tục được cải tạo và nâng cấp đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay để có thể phục vụ máy bay Airbus A320, A321 và các loại tương đương, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C.
Trong giai đoạn từ 2007 đến 2023, lượng hành khách qua sân bay Liên Khương đã tăng trung bình 25,6% mỗi năm. Năm 2023, sân bay đã đón được 2,548 triệu khách, thể hiện sự phát triển nổi bật về kinh tế và du lịch của vùng.
Tuy nhiên, đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương được xây dựng với kết cấu bê tông nhựa có tuổi thọ thiết kế chỉ 10 năm. Đến nay, sau 18 năm khai thác với tần suất hạ cất cánh tăng 2,1 lần, đường băng, đường lăn sân bay đã xuống cấp nghiêm trọng. Bề mặt đường xuất hiện nhiều hư hỏng như: biến dạng, hằn vệt bánh xe, rạn nứt, bong bật,... Tình trạng xuống cấp này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hoạt động bay.
Do vậy, việc sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương là cấp thiết. Việc sửa chữa sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.
Để khắc phục triệt để tình trạng xuống cấp của đường băng, đường lăn sân bay, ACV đã đề xuất phương án sửa chữa bằng kết cấu bê tông xi măng lưới thép. Phương án này được kỳ vọng sẽ đảm bảo khai thác dài hạn theo thiết kế 20 năm, thay thế cho mặt đường băng bê tông nhựa hiện có chỉ có tuổi thọ 10 năm.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 1.045 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. Thời gian thi công dự kiến khoảng 6 tháng, ACV đề xuất đóng cửa sân bay vào thời điểm thấp điểm về khai thác để thi công, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bay.
ACV đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, thống nhất phương án để có thể triển khai các thủ tục tiếp theo. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho các cục, vụ chuyên môn nghiên cứu đề xuất của ACV và có ý kiến tham mưu để lãnh đạo bộ xem xét, quyết định.