Đường dây 500kV chậm tiến độ: Nhà đầu tư nắm đằng chuôi
Theo ông Trần Đình Sính, nhà đầu tư BOT nước ngoài luôn nắm đằng chuôi, luôn tính phương án để bảo toàn vốn của họ.
Vướng mắc lớn nhất
Theo hợp đồng đã ký với nhà đầu tư BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 (Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản), tiến độ hoàn thành dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân để nhận điện từ nhà máy không chậm hơn tháng 12/2022.
Tuy nhiên, thông tin đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án diễn ra mới đây thì tiến độ dự án này đang gặp nhiều thách thức.
Theo hợp đồng Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (thuộc EVN) đã ký với nhà đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, số tiền EVN phải trả cho chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong trường hợp chậm tiến độ đường dây 500 kV khoảng 10 tỷ đồng/ngày; từ tháng thứ 4 trở đi chi phí khoảng 20 tỷ đồng/ngày.
Nếu tính đủ các chi phí phát sinh khác theo đúng quy định của hợp đồng thì khoản tiền phạt trong 6 tháng đầu chậm tiến độ EVN phải trả cho nhà đầu tư là khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng mà đường dây 500 kV vẫn chưa hoàn thành, hợp đồng BOT Nhà máy Nhiệt điện Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Việt Nam phải mua lại nhà máy này.
Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân là dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia, để giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện tích năng Bắc Ái và nhà máy điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Theo ông Ngãi, dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân muốn làm nhanh cũng rất khó bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công nhân phải chia ca, lượng công nhân trên công trường không đầy đủ như trước đây nên tiến độ thi công bị hạn chế. Thứ hai, việc đền bù giải phóng mặt bằng rất khó khăn do đi qua khu vực người dân ở.
Chính vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, mốc thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2022 rất khó khả thi.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân chủ yếu là để truyền tải công suất của Nhiệt điện Vân Phong 1, còn giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió không được bao nhiêu.
Với nhà đầu tư BOT nước ngoài, ông Trần Đình Sính lưu ý, nhà đầu tư luôn phải tính lợi cho họ và bao giờ cũng nắm đằng chuôi. Một nhà máy như Nhiệt điện Vân Phong 1 đi vào hoạt động mà không có sẵn đường dây truyền tải thì thiệt hại của nhà đầu tư rất lớn.
"Tiền vay ngân hàng nhà đầu tư vẫn phải trả, trong khi vốn lại chôn trong dự án, do đó họ đưa vào hợp đồng một điều khoản là nếu đường dây 500kV chậm quá 6 tháng thì Nhà nước phải mua lại nhà máy.
Rõ ràng, nhà đầu tư BOT nước ngoài rất khôn ngoan, không để xảy ra tình trạng "ù xọe" như với doanh nghiệp Việt Nam. Ở Việt Nam, nhà đầu tư sau khi được ký cho xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió nhưng lại không có đường dây truyền tải nên họ bị cắt giảm công suất, có nơi tới 60%", ông Trần Đình Sính nói.
Phó Giám đốc GreenID cho rằng, vướng mắc lớn nhất của dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân chính là khâu đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông nhắc lại câu chuyện Tập đoàn Trung Nam làm trạm biến áp và 17km đường dây 500kV. Trước đó doanh nghiệp này đã kiến nghị xin làm từ lâu, nhưng theo quy định của Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền về truyền tải. Điều đáng tiếc là luật không giải thích độc quyền là thế nào, độc quyền xây dựng, quản lý hay chỉ độc quyền quản lý thôi. Bởi sự thiếu rõ ràng này nên mãi đến năm 2020 Trung Nam mới được làm đường dây 500kV.
Dự án được khởi công từ giữa tháng 5/2020 và hoàn thành chỉ sau 4,5 tháng thi công, sau đó được bàn giao cho EVN.
"Dĩ nhiên họ không phải cho không mà là để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió của chính tập đoàn và một số doanh nghiệp khác.
Vấn đề ở chỗ Trung Nam làm rất nhanh, đặc biệt là chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Giá đền bù hiện nay do Nhà nước quy định, song thực tế mức giá đền bù ấy không thỏa đáng, khiến người dân không đồng ý dẫn đến việc đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài.
Với tư nhân, họ không theo giá của Nhà nước mà dựa trên thỏa thuận với người dân nên rất nhanh", ông Trần Đình Sính nói.
Nói thêm về nguyên nhân đền bù giải phóng mặt bằng ở dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân còn chậm chạp, vị chuyên gia cũng chỉ ra sự hạn chế trong chuyện đền bù, ngoài mức giá theo quy định. Đó là nhiều nơi, nhận đền bù xong người dân mua xe máy, xây nhà rồi sau 1, 2 năm tiền hết, trong khi người dân không có sinh kế mới, từ đó nảy sinh tệ nạn xã hội. Chính vì thế, yêu cầu là phải có cơ chế tạo sinh kế cho người dân sau khi giải phóng mặt bằng.
Một điểm khác được ông Sính lưu ý, nhà máy nhiệt điện than yêu cầu một lượng nước rất lớn cho quá trình làm mát. Chính vì thế, các nhà máy này thường được xây dựng gần biển hoặc sông lớn để lấy nước làm mát, đồng thời thuận lợi cho việc vận chuyển than.
Theo tính toán, trung bình cứ mỗi 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Một nhà máy điện than điển hình với công suất 1.200 MW trung bình tiêu thụ khoảng 4,7 triệu m3 nước/ngày đêm cho hoạt động làm mát, gấp khoảng 4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của thành phố Hà Nội vào năm 2020.
Mặc dù phần lớn nước làm mát của nhà máy nhiệt điện than được trả về nguồn nước ban đầu, nhưng nhiệt độ của loại nước này thường cao hơn 8 độ C so với nước đầu vào. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng hệ sinh thái, cá tôm đi hết.
Tự mình làm khó mình?
Ông Trần Đình Sính đánh giá, những điều khoản về tiền phạt, mua lại nhà máy... nếu chậm tiến độ trong hợp đồng nêu trên là những điều khoản bất lợi cho phía Việt Nam.
Nhà đầu tư luôn tính toán để bảo toàn vốn đầu tư của mình, nhưng phía Việt Nam có bắt buộc phải ký một hợp đồng tự mình làm khó mình như vậy không? Theo ông Sính, EVN phải là người trả lời câu hỏi này. EVN là người đứng ra ký hợp đồng với nhà đầu tư dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vấn đề ở chỗ EVN là một doanh nghiệp, trong khi việc này là của Bộ Công thương, của Nhà nước.
"Tại sao EVN thay mặt Nhà nước ký với nhà đầu tư BOT nước ngoài những điều khoản bất lợi như vậy? Ở đây dường như có sự lẫn lộn giữa việc cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp", ông nói.
"Tuổi thọ thông thường của một nhà máy điện than chừng 30 năm, vậy trong 30 năm ấy, giá mua điện thế nào? Có thay đổi hay không? Liệu người tiêu dùng bây giờ và cả con cháu của họ sau này có phải trả đúng mức giá đó để mua điện của nhà đầu tư trong khi họ không hay biết?", ông Trần Đình Sính đặt ra nhiều câu hỏi và cho rằng, một lần nữa yêu cầu EVN phải công khai, minh bạch điều này.