Không đưa việc chia sẻ doanh thu vào hợp đồng BOT
Việc đưa nội dung chia sẻ doanh thu vào hợp đồng các dự án là không phù hợp với quy định pháp luật...
Đó là khẳng định của Bộ GTVT tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo phương thức PPP.
Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm có báo cáo việc huy động tín dụng từ các tổ chức ngân hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thu xếp tài chính cho các dự án, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc với BIDV (ngân hàng quan tâm, cung cấp cam kết cho các nhà đầu tư vay tín dụng) và các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.
Trong buổi làm việc diễn ra vào giữa tháng 7/2021, đại diện BIDV tái khẳng định, sẽ chỉ xem xét cung cấp tín dụng cho các dự án khi trong hợp đồng dự án có điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán Hợp đồng, trên cơ sở ý kiến của các Nhà đầu tư, các ngân hàng, Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng... nhưng các bộ đều có ý kiến là không có quy định về áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu.
Do đó, Bộ GTVT cho rằng, việc đưa nội dung chia sẻ doanh thu vào hợp đồng các dự án là không phù hợp với quy định pháp luật (Điều 101, Luật Đầu tư theo phương thức PPP) cũng như các quy định của hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu.
"Để có thể áp dụng điều khoản chia sẻ tăng, giảm doanh thu cần phải được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư", công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc thực hiện cam kết cung cấp tín dụng cho các dự án; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ GTVT, các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, tạo mọi điều kiện để ưu tiên cung cấp nguồn vốn tín dụng cho các dự án.
Liên quan tới những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư (PPP), trước đó, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ. Trong đó có kiến nghị cho doanh nghiệp BOT được phân bổ lãi vay theo doanh thu.
Hiệp hội này cho biết, với đặc thù là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng nên tổng vốn đầu tư rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng, vì vậy khoản chi phí lãi vay trong các các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao do số dư tính lãi lớn (giảm dần vào các năm sau); ngược lại doanh thu các năm đầu lại thấp và tăng dần vào các năm sau (do tăng trưởng lưu lượng xe, tăng giá vé theo lộ trình…).
Việc ghi nhận chi phí lãi vay theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm đầu là khoản lỗ lớn và những năm cuối dự án lợi nhuận rất cao.
Điều này được VARSI cho là không phù hợp, theo đó, hiệp hội này bày tỏ mong muốn được phân bổ lãi vay theo doanh thu, mà không thực hiện việc ghi nhận lãi vay tại thời điểm phát sinh theo quy định của Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.
Mong muốn trên không nhận được sự đồng tình từ phía giới chuyên môn.
Trao đổi với Đất Việt, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nói thẳng: "đề xuất trên là vô lý, khó có thể chấp nhận".
Những vấn đề ông lo ngại có thể sẽ xảy ra nếu chấp nhận đề xuất trên như: lo ngại phát sinh tiêu cực, bất bình đẳng giữa các loại hình đầu tư và đặc biệt có nguy cơ đẩy ngân hàng vào tình thế rủi ro.
Một điều cũng được lưu ý là những vấn đề trong đầu tư, doanh thu, hiệu quả khai thác của các dự án BOT lâu nay chưa bao giờ minh bạch, điều này dẫn tới những lo ngại khó kiểm soát, gây thất thoát, bất cập.
Thực hiện theo luật:
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5790/VPCP-KTTH gửi Ngân hàng Nhà nước; các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về xử lý vướng mắc triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tại công văn này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, việc cấp tín dụng, cho vay đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật hiện hành. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối với Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để thống nhất khả năng bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay đối với các dự án theo đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị của Bộ GTVT, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý, hướng dẫn việc huy động vốn để thực hiện các dự án.