Đường đua tăng lãi suất huy động tiếp tục ‘nóng’: Ông lớn ngân hàng nhập cuộc
Lãi suất huy động ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Bước sang tháng 6/2022, cuộc đua tăng lãi suất tiếp tục \'nóng\' hơn khi xuất hiện thêm...
Lãi suất huy động tiếp tục tăng mạnh trở lại
Lãi suất huy động của các ngân hàng đang ngày một cạnh tranh khi liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua. Tính riêng trong tháng 5/2022, đã có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần. Bước sang tháng 6/2022, các ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Tháng 6 này, lãi suất ngân hàng Techcombank được ghi nhận điều chỉnh tăng tại hầu hết các kỳ hạn. Và cao nhất ở mức là 7,1%/năm dành cho khách hàng thường gửi tiền tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
Cụ thể, lãi suất Techcombank tăng 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên đồng niêm yết ở mức là 2,75%/năm. Trong khi tại các kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng được ngân hàng này triển khai với lãi suất chung là 3,25%/năm. Theo đó, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,4 điểm %; còn kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng có mức tăng là 0,45 điểm %.
Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng, lãi suất ngân hàng Techcombank đang huy động cùng mức là 4,55%/năm. Tương ứng kỳ hạn 6 tháng tăng 0,55 điểm %; các kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng có cùng mức tăng là 0,65 điểm %. Lãi suất tại các kỳ hạn từ 24 tháng đến 35 tháng cũng được Techcombank đồng loạt điều chỉnh tăng tới 0,95 điểm % lên ấn định ở mức là 5,55%/năm. Riêng kỳ hạn 36 tháng quay trở về mức tăng là 0,55 điểm % lên áp dụng với lãi suất là 5,75%/năm.
Ngoài Techcombank, bước sang tháng 6, Ngân hàng ACB cũng đã công bố bảng tổng hợp lãi suất huy động mới nhất. Trong đó có một số điều chỉnh theo hướng tăng lãi suất với các khoản tiết kiệm online.
Cụ thể, trong khi lãi suất niêm yết tại quầy được giữ nguyên không đổi thì lãi suất tiền gửi online đang được triển khai trong khoảng từ 3,95%/năm đến 5,5%/năm triển khai tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. Theo khảo sát, ACB đã điều chỉnh tăng mạnh từ 0,2 - 0,65 điểm % lãi suất tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 9 tháng. Tại kỳ hạn 9 tháng đến 12 tháng, lãi suất ngân hàng ACB được giữ nguyên như cũ.
Khách hàng tham gia gửi tiền online sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi hơn so với việc gửi trực tiếp tại quầy.
Tương tự, lãi suất huy động tháng 6/2022 tại ngân hàng VPBank tiếp tục tăng một số kỳ hạn tại gói tiết kiệm online. Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai như cũ.
Cụ thể, lãi suất VPBank niêm yết cho khoản tiền gửi online dưới 300 triệu đồng tại các kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 đồng loạt tăng 0,3 điểm so với trước. Đối với các kỳ hạn và khung tiền gửi còn lại lãi suất vẫn được duy trì không đổi.
Khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được nhận lãi suất trong khoảng từ 3,5%/năm đến 6,9%/năm, tương ứng với kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Lãi suất tiền gửi qua kênh online được niêm yết cao hơn lãi suất tại quầy ở nhiều kỳ hạn gửi.
Mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận khi mở tài khoản tiết kiệm tại VPBank là 6,9%/năm. Để được hưởng lãi suất này, khách hàng cần có số tiền tối thiểu là 50 tỷ đồng, gửi online tại kỳ hạn 36 tháng..
Ngân hàng SHB cũng thông báo tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.
Từ ngày 1/6, ngân hàng KienLongBank áp dụng lãi suất tiền gửi bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp lên đến 7,3%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, 7,2%/năm kỳ hạn 24 tháng, 7%/năm kỳ hạn 18 tháng và 6,95%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, KienLongBank đã điều chỉnh lãi suất huy động một số kỳ hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng tới 0,4%/năm so với mức cũ. Sau điều chỉnh, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của Kienlongbank có thể nhận mức lãi suất tối đa lần lượt lên đến 6,75%/năm và 6,4%/năm.
Mức lãi suất huy động trên 7%/năm đã không còn hiếm như trước. Một số nhà băng áp dụng mức lãi cao như tại Nam A Bank lên 7,4%/năm từ kỳ hạn 16 tháng trở lên; SCB lên 7,5%/năm ở kỳ hạn 15 tháng và 36 tháng lên 7,55%/năm; VietABank cao nhất lên 7,2%/năm từ 15 tháng trở lên;…
Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua với mức tăng dao động từ 0,1 - 0,4%/năm. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng từ 0,5 - 1%/năm.
Đáng chú ý, sau khi hàng loạt các ngân hàng thương mại tư nhân tăng lãi suất tiết kiệm lên từ 0,3-0,5 điểm % so với đầu năm, nhóm Big4 ngân hàng chỉ duy nhất có BIDV gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Cụ thể, ngày 1/6 ngân hàng BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động mới, điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng đồng loạt tăng 0,1 điểm %, từ 5,5%/năm lên mức 5,6%/năm.
Mặc dù điều chỉnh tăng nhưng lãi suất huy động của BIDV hiện vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường. Còn tại Vietcombank, Agribank và Vietinbank vẫn tiếp tục duy trì biểu lãi suất cũ.
Tốc độ cho vay tăng, ngân hàng xin nới room tín dụng
Trong khi đó, tốc độ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm tăng thêm 623.000 tỉ đồng, lên 11,067 triệu tỉ đồng, tăng 5,97% so với cuối năm 2021. Tính đến 20.5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, tăng cao hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2021. Chính vì tốc độ cho vay nhanh nên một số ngân hàng như Vietinbank, MB, Vietcombank, BIDV… đã gần hoặc hết hạn mức tín dụng và đang xin nới room.
Đơn cử như MB, đầu năm được cấp hạn mức tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến cuối tháng 3, room tín dụng của nhà băng này gần chạm và nay xin thêm hạn mức mới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định, các ngân hàng đang xin room tín dụng mà lãi suất huy động đã tăng thì sau khi cấp hạn mức tín dụng, không biết lãi suất sẽ như thế nào. Việc nới room tín dụng hiện nay là cần thiết khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được các NH bắt đầu thực hiện triển khai ra nền kinh tế.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Quốc Hùng: “Năm nay không những khó mà là quá khó” bởi tăng trưởng tín dụng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải tính toán làm thế nào để kiểm soát lạm phát. Các ngân hàng thương mại thì muốn tăng trưởng hoạt động, trong đó có tín dụng và doanh nghiệp thì muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng được nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn nên nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng cũng lớn.
Thực tế, tiền gửi vào ngân hàng đã ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Dự báo về xu hướng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết lãi suất huy động sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... vẫn khá hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022.