Eximbank tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh

Eximbank cho biết vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh.

NHNN vừa chấp thuận việc nâng vốn của Eximbank. Ảnh: EIB.  
NHNN vừa chấp thuận việc nâng vốn của Eximbank. Ảnh: EIB.  

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (HoSE: EIB) vừa chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ.

Cụ thể, từ mức vốn điều lệ trước đây ở 17.470 tỷ đồng, nhà băng này được phép tăng thêm 1.219 tỷ đồng để đạt mức 18.688 tỷ đồng.

Phương thức nâng vốn điều lệ là thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023 sau khi trích lập các quỹ, theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của ngân hàng này thông qua hồi tháng 4.

Phía Eximbank cho biết số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đáng chú ý, việc Eximbank được NHNN chấp thuận tăng vốn diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng về việc nhà băng này bị thanh tra hoạt động. Theo quy định, để được cơ quan quản lý chấp thuận tăng vốn, ngân hàng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng cũng như các hoạt động khác trong lĩnh vực ngân hàng.

Cùng với việc chấp thuận tăng vốn, NHNN cũng có Quyết định 2570/QĐ-NHNN do Phó thống đốc Phạm Quang Dũng, lãnh đạo phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, ký phê duyệt về việc sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động của Eximbank.

Điều này cho thấy công tác quản trị, điều hành của ban lãnh đạo Eximbank vẫn đang đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng này đang có sự góp mặt của nhóm cổ đông mới là Công ty CP Tập đoàn Gelex, cũng như Vietcombank (sở hữu trên 1% vốn ngân hàng).

Quyết định của NHNN về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ lên gần 18.700 tỷ đồng. Ảnh: T.L.  
Quyết định của NHNN về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ lên gần 18.700 tỷ đồng. Ảnh: T.L.  

Không chỉ được nâng vốn điều lệ, vừa qua Eximbank cũng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quyết định tăng hạn mức tài trợ thương mại từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD.

Về tình hình kinh doanh, Eximbank báo tổng lợi nhuận trước thuế quý III đạt 904 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng thu về 2.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm nay ở mức 5.180 tỷ đồng, Eximbank mới hoàn thành được 46% mục tiêu đặt ra.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Eximbank đạt gần 223.700 tỷ đồng, tăng 11%. Số dư cho vay khách hàng tăng trưởng 14% từ đầu năm, lên gần 159.500 tỷ đồng. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt trên 167.600 tỷ đồng, tăng 7%. Tuy vậy, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng thêm 16% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên 2,71%.

Trong năm nay, Eximbank đã thực hiện một lần chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 3%. Tổng số tiền mà ngân hàng dùng để trả cổ tức tiền mặt đợt này là khoảng 522 tỷ đồng.

Ngày 28/11 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội để thảo luận một số nội dung quan trọng như chuyển trụ sở chính từ TP.HCM sang địa chỉ số 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đồng thời, cổ đông của ngân hàng cũng sẽ xem xét đề xuất miễn nhiệm ông Ngô Tony, Trưởng ban kiểm soát và hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú theo đề xuất của nhóm cổ đông.

PV

Theo Tài chính doanh nghiệp