Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm: Vàng, USD căng thẳng kéo dài?
Việc Fed giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm đã tác động tới giá vàng và đồng USD. Tỷ giá VND/USD vẫn neo ở mức cao nhưng được dự báo sẽ dần hạ nhiệt.
Giá vàng, USD biến động sau quyết định của Fed
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 12/6 đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản hiện tại, ở mức 5,25-5,5%, đánh dấu lần thứ 7 cơ quan này giữ nguyên mức lãi suất cao nhất trong vòng 23 năm qua.
Fed vào cuối năm ngoái từng dự báo có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Nhưng với thông báo mới vào ngày 12/6, cơ quan này dự định chỉ giảm 1 lần vào cuối năm và mức giảm sẽ khoảng 0,25 điểm %.
Chủ tịch Fed Jerome Powel cho biết, lạm phát đã giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức cao. Ông Jerome Powel cũng cho hay nếu nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc và lạm phát vẫn tiếp tục cao thì lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Trong số 12 quan chức thành viên Fed, có tới 4 quan chức ủng hộ không giảm lãi suất trong năm nay do lạm phát vẫn còn dai dẳng.
Như vậy, thông điệp chính của Fed là lạm phát vẫn còn cao và cơ quan này cần duy trì lập trường chính sách thắt chặt một khoảng thời gian nữa.
Sau tuyên bố của Fed, giá vàng đi xuống còn đồng USD ngừng giảm.
Sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã quay đầu giảm và mất đi gần hết mức tăng có được trong ngày hôm trước. Giá vàng giao ngay ở mức 2.314 USD/ounce.
Giá vàng thế giới giảm cũng hỗ trợ cho nỗ lực bình ổn giá vàng miếng SJC tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NHNN gần đây đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá vàng, kéo chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế thu hẹp.
Sau khi NHNN bán vàng miếng SJC cho người dân có nhu cầu thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJc, giá vàng miếng đã hạ từ mức 90,5 triệu đồng/lượng xuống mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra).
Với việc Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài cũng khiến giá USD sẽ còn treo cao.
Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 104,78 điểm theo ghi nhận lúc 10h30' (giờ Việt Nam), tăng 0,13% so với phiên liền trước.
Tại thị trường Việt Nam, tỷ giá trung tâm hôm nay (13/6) được NHNN công bố ở mức 24.245 đồng/USD, giảm 9 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán được Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết ở mức 23.400-25.450 đồng/USD.
Giá mua USD tại phần lớn ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 2-10 đồng so với phiên trước; giá bán USD tại các ngân hàng niêm yết ở mức kịch trần 25.457 đồng/USD.
Tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt
Mới đây, đại diện NHNN nhấn mạnh, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, NHNN rất quyết liệt trong điều hành, đã áp dụng nhiều giải pháp như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại…
Từ đầu năm tới cuối tháng 5, VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý I/2024.
Song nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá gần đây đã bớt căng thẳng, hiện chỉ còn tăng 4,8% so với đầu năm.
Các chuyên gia nhận định, nguồn cung dồi dào là nguyên nhân giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong thời gian gần đây. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn liên quan đến mở rộng hoạt động dự án, đang có tăng lên khá mạnh. Những yếu tố này làm giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại hối.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tỷ giá không có gì đáng lo và sẽ không thể vượt mức 26.000 đồng/USD.
Ông Phước tin tưởng Fed sẽ thực hiện giảm lãi suất vào tháng 9, thậm chí có thể sớm hơn và tác động lên đồng bạc xanh. Những yếu tố khác như bầu cử Mỹ cũng sẽ tác động giảm đà đi lên của USD Index.
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo rằng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100-25.300 đồng/USD trong tháng 6 và tháng 7 trong bối cảnh đà tăng của DXY đảo chiều và những biện pháp hỗ trợ của NHNN giúp giảm áp lực tỷ giá.
Theo MBS, chỉ số DXY bắt đầu giảm từ mức 106,5 điểm sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ ngày 1/5. Chỉ số DXY kết thúc tháng 5 ở mức 104,7 điểm sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,3% trong quý đầu năm 2024. Đến ngày 12/6, DXY tiếp tục duy trì quanh vùng 104,7 điểm.
Cùng với việc sức mạnh đồng USD suy yếu, NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống.
Các chuyên gia từ MBS cho rằng xu hướng giảm của VND vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực, ví dụ như baht Thái (-6,9% từ đầu năm), Malaysia ringgit (-2,4%), nhân dân tệ (- 2,3%), và yen Nhật (-10,5%).
MBS đánh giá rằng sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Tương tự, Ngân hàng UOB đánh giá VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed vào tháng 9.
Ngoài ra, VND có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của nhân dân tệ (CNY) trong nửa cuối năm 2024 do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn. UOB dự báo tỷ giá USD/VND là 25.200 đồng/USD trong quý III và 25.000 đồng/USD trong quý IV/2024.
UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024 trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và việc VND yếu đi so với USD.