Fideco có nguy cơ mất khả năng thanh toán, lãnh đạo bị phạt vì mua cổ phiếu “chui”

Fideco dù đạt được lợi nhuận sau thuế TNDN là hơn 724 triệu đồng trong năm 2023, nhưng đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán khi các dự án đầu tư gặp vướng mắc pháp lý kéo dài.

Nguy cơ mất khả năng thanh toán

Theo thông tin công bố của Fideco cho thấy, các chỉ tiêu kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2023 của công ty này, chủ yếu về lĩnh vực cho thuê văn phòng và phát triển các dự án bất động sản. Trong đó, các dự án bất động sản chưa tạo ra nguồn thu do vẫn còn những khó khăn tồn đọng về pháp lý dự án. Thế nên, doanh thu năm 2023 chủ yếu từ hoạt động cho thuê các văn phòng hiện hữu tại tòa nhà văn phòng số 28 Phùng Khắc Khoan (mặt tiếp giáp 55 Mạc Đĩnh Chỉ) và Cao ốc Fideco Riverview.

Cao ốc Fideco Riverview tại Quận 2, Tp.HCM là một trong những nguồn thu chính của Fideco trong năm 2023.
Cao ốc Fideco Riverview tại Quận 2, Tp.HCM là một trong những nguồn thu chính của Fideco trong năm 2023.

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế. Công ty này vẫn hoạt động có lãi, trong năm 2023 đã được cải thiện rất lớn so với khoản lỗ hơn 197 tỷ đồng cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 739 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 724 triệu đồng.

Thế nhưng, việc doanh thu năm 2023 chủ yếu từ hoạt động cho thuê các văn phòng đã dẫn đến việc chỉ số khả năng thanh toán ngắn hạn chỉ đạt 0,28, đây là một trong những chỉ số cho thấy rằng, công ty này có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Đồng thời, chỉ số về khả năng thanh toán nhanh cũng chỉ đạt 0,28 điều này một lần nữa cho thấy, công ty này có biểu hiện về khả năng thanh toán gặp khó khăn và có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán trong tương lai.

Các chỉ số về tình hình tài chính của Fideco.
Các chỉ số về tình hình tài chính của Fideco.

Bởi lẽ, tính đến hết năm 2023, nhiều dự án đầu tư của Fideco vẫn chưa đưa vào khai thác được do đang trong giai đoạn hoàn thiện và còn tồn tại những khó khăn vướng mắc về pháp lý, cụ thể, theo thông tin công bố của công ty này cho thấy, Dự án Cần Giờ đã xây dựng chòi bảo vệ và thuê lực lượng bảo vệ tại dự án đồng thời đã tiến hành làm hàng rào lưới B40 phần tiếp giáp với các hộ dân để giữ ranh đất và ngăn tỉnh trạng hút trộm cát. Ngoài ra. Công ty cũng thực hiện báo cáo định kỳ của dự án cho các Sở ban ngành có liên quan theo yêu cầu, cho nên thời gian cụ thể để hoàn thiện dự án đưa vào hoạt đông khai thác vẫn là một dấu hỏi.

Trước đó, vào năm 2019, ĐHĐCĐ Fideco đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh hợp nhất và kế hoạch kinh doanh riêng của Công ty mẹ. Theo đó, doanh thu dự kiến thu về từ việc tiêu thụ một phần sản phẩm bất động sản của dự án Cần Giờ là hơn 638 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến là gần 451 tỷ đồng. Thế nhưng, do vướng mắc về pháp lý, chính quyền Tp.HCM chậm giải quyết thủ tục nên Công ty này không thể triển khai dự án kịp tiến độ để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019.

Phối cảnh dự án KDC cao cấp Cần Giờ do Fideco làm chủ đầu tư. (ảnh chụp màn hình).
Phối cảnh dự án KDC cao cấp Cần Giờ do Fideco làm chủ đầu tư. (ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, đối với Dự án Bình Trưng Đông, theo thông tin mà Fideco công bố cho biết, hiện tại UBND Tp.HCM chưa quyết định Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉnh thay thế cho Công ty Nhà Phú Nhuận. Theo đó, Fideco cho rằng, đây là khó khăn mấu chốt của dự án và sau khi UBND Tp.HCM lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng chính thì công ty này sẽ phối hợp các Sở ban ngành để bồi thường giải tỏa phần diện tích đất còn lại của dự án.

Đáng chú ý, Dự án mà Fideco hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Hưng Vượng Bến Lức hiện tại do những khó khăn khách quan đến từ công tác thụ lý hồ sơ nên công tác pháp lý đang được Công ty Cổ phần Hưng Vượng Bến Lức triển khai chậm hơn so với hợp đồng ký kết. Do vậy Công ty và Công ty Cổ phần Hưng Vượng Bến Lức đã tiến hành gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến 31/12/2026 và điều chỉnh trách nhiệm của Công ty Cổ phần Hưng Vượng Bến Lức trong trường hợp vi phạm hợp đồng.

Được biết, Fideco hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Hưng Vượng Bến Lức được HĐQT thông qua vào ngày 28/3/2022 với giá trị góp vốn là 280 tỷ đồng.

Nhìn chung, các dự án của Fideco đang triển khai và hợp tác triển khai đều đang gặp khó khăn về pháp lý và chỉ được đề cập rất ngắn gọn trong các thông tin được công bố trong thời gian qua.

Mua “chui” cổ phiếu 2 lãnh đạo Fideco cùng người thân bị phạt 740 triệu đồng

Ngày 10/07/2024, UBCKNN đã ban hành các Quyết định số 739; 741; 742/QĐ-XPHC về việc xử phạt 2 lãnh đạo Fideco cùng người thân bị phạt và người thân về việc mua “chui” cổ phiếu với tổng số tiền 740 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 07/06/2024, ông Hồ Anh Tuấn mua 1,85 triệu cổ phiếu Fideco nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Ông Hồ Anh Tuấn hiện đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều công ty.
Ông Hồ Anh Tuấn hiện đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều công ty.

Theo đó, với vi phạm nêu trên, Tổng Giám đốc Fideco bị phạt số tiền 370 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng 4 tháng.

Đồng thời, ông Lê Thái Thành cũng bị phạt số tiền 100 triệu đồng về hành vi không có thông báo trước khi thực hiện giao dịch mua tổng cộng 906 ngàn cổ phiếu Fideco trong 2 ngày 07/06 và 11/06/2024.

Bên cạnh đó, bà Lê Ngân Nhi là em gái ông Thành do vi phạm không báo cáo dự kiến giao dịch mua 1,35 triệu cổ phiếu vào ngày 11/06/2024, cũng đã bị xử phạt 270 triệu đồng.

Theo đó, với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài bị phạt tiền thì ông Tuấn và bà Nhi còn phải chịu hình phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng 4 tháng. 

Được biết, sau khi tiến hành giao dịch cổ phiếu nêu trên, ông Tuấn sở hữu 4,79% vốn Fideco, bà Nhi sở hữu 3.49% và ông Thành sở hữu 2,35%.

Ông Lê Thái Thành cũng đang đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại nhiều công ty.
Ông Lê Thái Thành cũng đang đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại nhiều công ty.

Hiện tại ông Hồ Anh Tuấn là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Fideco. Đồng thời, ông Tuấn còn làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Thương mại ATP; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Kangsung Vina.

Còn ông Lê Thái Thành hiện đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển Bất động sản Thái Nam; Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn ASI; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản Kim Nhật Thành; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thang máy Thái Nam./.

Thanh Quang

Theo Tài chính doanh nghiệp