FLC đã thế chấp BĐS như thế nào để làm tài sản bảo đảm cho công ty liên quan vay vốn?

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố một loạt giao dịch với các bên liên quan trong giai đoạn 2019-2021 theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các giao dịch của FLC vừa được công khai phần lớn là thế chấp tài sản cho các doanh nghiệp liên quan vay vốn, phần lớn là FLC Faros và Bamboo Airways.

Theo đó, hàng loạt lô đất vừa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chưa lâu đã được FLC thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các công ty liên quan vay vốn. Các tài sản được FLC thế chấp ngân hàng cho FLC Faros vay vốn phần lớn là bất động sản, cổ phiếu và cả du thuyền.

Theo báo Dân trí, trong nhiều giao dịch bảo lãnh tài sản cho FLC Faros vay vốn, có trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của FLC vừa được cấp đã được mang thế chấp tại ngân hàng. Cụ thể, vào tháng 10/2019, FLC sử dụng 7 bất động sản tại Thanh Hóa thế chấp tại ngân hàng OCB để FLC Faros vay vốn.

Quyết định bảo lãnh cho FLC Faros vay ngân hàng diễn ra chỉ một tuần sau khi cơ quan ngành tài nguyên và môi trường ở địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các lô đất này cho FLC.

FLC dùng hàng loạt tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng của Bamboo Airways, FLC Faros (Ảnh: FT).  
FLC dùng hàng loạt tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng của Bamboo Airways, FLC Faros (Ảnh: FT).  

Với Bamboo Airways, FLC cũng sử dụng rất nhiều đất đai để thế chấp cho hãng hàng không thành viên vay ngân hàng. Cụ thể, vào tháng 3/2021, FLC dùng 293 lô đất tại Gia Lai để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng MSB của Bamboo Airways. Giấy tờ lô chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất Gia Lai cũng vừa mới được cấp vào tháng 2/2021.

Bên cạnh đó, nhiều loạt bất động sản tại Thanh Hóa, Bình Định, công trình FLC Landmark Tower tại Hà Nội, hợp đồng tiền gửi ngân hàng trị giá hàng trăm tỷ đồng và chính cổ phiếu của Bamboo Airways được FLC dùng làm tài sản đảm bảo cho hãng hàng không thành viên của tập đoàn được các ngân hàng BIDV, MB, Vietinbank, OCB, MSB cấp tín dụng.

Trong kỳ họp đại hội cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo một số ngân hàng có quan hệ tín dụng với FLC như Sacombank, OCB đều cho biết tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết có lịch sử tín dụng tốt khi luôn thanh toán đúng hạn, đầy đủ nghĩa vụ nợ gốc lẫn lãi.

Tại ĐHĐCĐ thường niên của chủ nợ lớn FLC cũng cho hay, các nhà băng này sẽ tiền hành thương lượng, thu hồi nợ sớm hơn so với dụ kiến trước bão dư luận. Còn về phía BIDV thì từ chối trả lời vì cho rằng, việc Trịnh Xuân Quyết là lãnh đạo cấp cao bị bắt là việc cá nhân, để biết được khoản vay của FLC có rủi ro hay không còn tùy thuộc vào thời gian và nhiều yếu tố khác.

Theo Chất lượng và Cuộc sống