FLC dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường sau Tết, miễn nhiệm ông Đặng Tất Thắng
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố tài liệu cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. Sự kiện dự kiến được tổ chức vào sáng 5/2 tại tòa nhà Bamboo Airways.
Theo chương trình dự kiến, đại hội bất thường lần này sẽ miễn nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Đặng Tất Thắng.
Được biết, ông Đặng Tất Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hồi cuối tháng 3/2022.
Đến ngày 29/7/2022, ông Đặng Tất Thắng từ nhiệm tất cả chức vụ tại Tập đoàn FLC cũng như hãng hàng không Bamboo Airways.
Đại hội lần này cũng dự kiến sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Hiện, HĐQT của Tập đoàn FLC có 4 người bao gồm: Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch Bùi Hải Huyền, Phó Chủ tịch Doãn Hữu Đoàn và Thành viên Lê Thái Sâm.
Liên quan đến nhân sự của FLC, trước đó, ngày 10/1, tập đoàn cũng đã thông báo về việc đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Bộ phận kiểm toán nội bộ của bà Trần Thị Mỹ Dung vì lý do cá nhân.
Sau nhiều biến động về nhân sự cấp cao, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng vô cùng bết bát với lợi nhuận gộp âm, chi phí tăng vọt, lỗ lớn trong các công ty liên doanh, liên kết…
Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất của FLC, quý III/2022, doanh thu thuần đạt 429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 96 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 144 tỷ đồng).
Trong quý, doanh thu tài chính giảm 93%, đạt 18 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 59% (105 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 2,5 lần (267 tỷ đồng). FLC lại chịu lỗ trong công ty liên doanh, liên kết 318 tỷ đồng (tăng 64%) cùng khoản lỗ khác 11 tỷ đồng.
Tất cả đã khiến công ty lỗ trước thuế 787 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của FLC đạt 2.090 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp 6,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 103 tỷ đồng).
Doanh thu tài chính 9 tháng chỉ đạt 241 tỷ đồng (giảm 76%, do không còn nguồn thu thanh lý các khoản đầu tư), trong khi chi phí tài chính tăng 30%, đạt 416 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng vọt 62%, đạt 717 tỷ đồng.
Đáng chú ý, FLC lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 900 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Đây là "cú đấm" cực mạnh khiến công ty lỗ trước thuế 9 tháng tới 1.888 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2022, nợ phải trả của FLC đạt 28.271 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cơ cấu nợ đáng chú ý ở điểm nợ vay đã giảm 19%, còn 5.015 tỷ đồng; trong đó vay ngắn hạn 3.193 tỷ đồng, tăng 57%, vay dài hạn 1.822 tỷ đồng, giảm 56%.