Gần 27.500 tỷ đồng để kết nối cảng biển: TP.HCM cần tính kỹ

Theo chuyên gia, các cảng biển phải kết nối với trung tâm logistics lớn thay vì chỉ làm con đường độc đạo đi vào cảng.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất triển khai 6 dự án với tổng vốn gần 27.500 tỷ đồng là các dự án giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển.

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc ưu tiên các tuyến đường giao thông trục chính kết nối cảng biển nhằm sớm triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Từ đó tạo sự đồng thuận, chấp hành của các cá nhân, đơn vị thuộc đối tượng thu phí trong quá trình triển khai.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, hiện các cảng biển của TP.HCM được kết nối bởi các tuyến đường trục chính và đường nhánh song chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ. Chưa kể, với những cảng nằm sâu trong TP như Cát Lái, Tân Thuận, Hiệp Phước, Phước Long… không có đường chuyên dụng, đa số sử dụng chung với đường địa phương nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào cảng.

Với tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở khu vực cảng Cát Lái, xe nằm la liệt chờ vào cảng, đi cả vào khu dân cư đông đúc, TP.HCM phải tính phương án xử lý là đúng. Việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, mở rộng và nâng cấp, bảo trì các tuyến đường hiện hữu để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa ra vào cảng biển rất cần thiết và quan trọng, qua đó phát huy được vai trò của cảng, giải quyết lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến cảng.

Gần 27.500 tỷ đồng để kết nối cảng biển: TP.HCM cần tính kỹ - Ảnh 1
Giao thông ùn tắc trên cầu Phú Mỹ hướng về nút giao Mỹ Thủy. Ảnh: Lao động

Thế nhưng, vị chuyên gia nhấn mạnh đến bối cảnh hiện nay - khi đầu tư công được thúc đẩy để kích thích tăng trưởng kinh tế, bản thân các địa phương đều chịu sức ép giải ngân vốn đầu tư công nên thường đề xuất các dự án để giải ngân được càng nhanh càng tốt. Chính vì thế, chọn phương án nào trong bối cảnh hiện nay cho hợp lý nhất là vấn đề TP.HCM phải cân nhắc, tính toán.

"TP.HCM muốn làm đường chuyên dụng để tránh tình trạng kẹt xe nhưng đây là đường ô tô hay đường gì? Nếu chỉ làm đường độc đạo vào cảng mà không kết nối với các trung tâm logistics lớn thì không giải quyết được vấn đề gì. Các trung tâm ấy giống như âu thuyền, giúp giải phóng hàng hóa từ các cảng, rồi từ đó bằng phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông... vận chuyển đi nơi khác.

Tình trạng chung ở Việt Nam hiện nay là nhiều nơi hàng hóa quá tải nhưng không biết san hàng chỗ nào, thiếu cơ sở hạ tầng như các trung tâm logistics, trong khi ở các nước phát triển rất mạnh các trung tâm này, thường cứ 5km lại có một trung tâm.

Do vậy, với số vốn đầu tư cực lớn, dự kiến gần 27.500 tỷ đồng, lại sử dụng đầu tư công, TP.HCM càng phải tính toán cẩn trọng, tránh lãng phí ngân sách mà vẫn cứ luẩn quẩn, không giải quyết được dứt điểm tình trạng hiện nay tại các cảng", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chỉ rõ.

Bên cạnh đó,  vị chuyên gia đề nghị, TP cần xem lại việc sắp xếp các cảng biển như thế nào, chọn cảng biển nào để thực hiện trước... 

Sau cùng, ông cho rằng, từ tháng 7 năm nay TP.HCM sẽ thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Chi phí xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với cảng biển tất yếu sẽ được hạch toán vào chi phí logistics.

Tuy nhiên, chi phí logistics của TP.HCM hiện khá cao, nếu lại thu cao nữa thì sẽ đẩy giá thành hàng hóa lên, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, nhất là khi xuất khẩu. Do vậy, TP.HCM phải tính toán kỹ lưỡng, tránh để doanh nghiệp phải gánh phí cảng biển quá cao.

Các dự án được đề xuất triển khai gồm: Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Thành phố Thủ Đức); Hai đoạn thuộc dự án Vành đai 2 (đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức); đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức);

Dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc – Nam, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè); Xây dựng hoàn thiện tuyến Vành đai phía Đông, từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (Thành phố Thủ Đức; Xây dựng hoàn thiện tuyến Vành đai phía Đông, từ nút giao Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Duy Trinh (Thành phố Thủ Đức).

Cả 6 dự án trên đều được Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập chủ trương đầu tư công. Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cấn đối, bố trí vốn đối với các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Trong trường hợp khó cân đối vốn, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài Chính, UBND các quận, huyện rà soát và đề xuất UBND TP.HCM ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng chưa được đầu tư và chưa mang tính cấp bách. Từ đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư 6 dự án cấp bách nêu trên.

 

Thành Luân

Theo Đất Việt