Gặp vướng mắc tại thị trường Cameroon, cổ phiếu Viettel Global VGI bị đưa vào diện cảnh báo
Sau khi nhận được quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc đưa cổ phiếu VGI vào diện cảnh báo, ngày 21/4, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (mã chứng khoán VGI) đã có công văn phản hồi chính thức.
Lý do cổ phiếu VGI bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo là vì báo cáo tài chính năm của Viettel Global bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 33 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trong công văn giải trình do Tổng Giám đốc Phùng Văn Cường ký, Viettel Global cho biết, về ý kiến ngoại trừ trên báo cáo hợp nhất 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 của VGI là: ý kiến ngoại trừ đối với việc không hợp nhất số liệu tài chính của Công ty Viettel Cameroun S.A (VCR) trên báo cáo tài chính hợp nhất và trình bày khoản đầu tư vào VCR trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Ý kiến ngoại trừ đối với việc trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay, phải thu ngắn hạn khác với VCR (tại ngày 31/12/2022 có tổng số dư các khoản phải thu là 8.437 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng với số tiền 6.772 tỷ đồng).
Nguyên nhân của việc đưa ra ý kiến ngoại trừ như sau: do có bất đồng giữa cổ đông VGI và cổ đông sở tại về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh công ty VCR, nên VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2022.
VGI đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, Điều 10 Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất chuyển khoản đầu tư vào công ty VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng.
Ngoài ra, do công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính, cũng như các bằng chứng kiểm toán thích hợp có liên quan nên kiểm toán viên chưa có đủ cơ sở đánh giá VGI có thể thu hồi tất cả các khoản nợ phải thu đối với VCR do đó kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ như trên.
Đối với phương án khắc phục, hiện tại VGI đang tích cực giải quyết triệt để các bất đồng với đối tác kinh doanh, cũng như đã báo cáo tình hình đầu tư và vướng mắc của dự án liên doanh với Chính phủ Việt Nam, Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư là Cameroon để có hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, VGI cũng đang tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp theo quy định của pháp luật để giải quyết triệt để tranh chấp với cổ đông sở tại, hướng tới bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của VGI.
Tuy nhiên, do đây là tranh chấp quốc tế, các thủ tục pháp lý cần thận trọng thực hiện vào cần báo cáo đầy đủ, chi tiết tới Chính phủ Việt Nam, nên các tồn tại hiện nay khó giải quyết ngay trong ngắn hạn, Ban Điều hành VGI vẫn đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp để giải quyết, thận trọng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VGI.