Gia Lai: Chợ xây mãi không xong tiểu thương gửi đơn cầu cứu
Kéo dài 5 năm, qua 3 lần gia hạn, chợ xã Ia Le, huyện Chư Pưh lại đã tạm dừng thi công, nhiều hạng mục xây dựng dang dở, ngổn ngang, tiểu thương ngao ngán vì kinh doanh buôn bán ế ẩm.
Lấy tiền bán đất để xây chợ
Theo lãnh đạo ngành chức năng huyện Chư Pưh, năm 2018, UBND huyện có Quyết định phê duyệt, triển khai xây dựng chợ xã Ia Le. Công trình do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng.
Công trình được khởi công từ năm 2018 và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Nguồn vốn xây dựng từ việc thu tiền đấu giá sử dụng đất và cho thuê ki-ốt khu vực xung quanh chợ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 công trình vẫn chưa hoàn thành và tiến độ chỉ đạt 50%.
Chợ Ia Le dừng thi công sau 5 năm xây dựng. |
Theo ông Lê Văn Thạch - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh, công trình xây chợ kéo dài đến nay đã gần 5 năm chưa thể bàn giao là do việc thiếu vốn. “Nguồn vốn để xây chợ là từ việc đấu giá đất và cho thuê ki-ốt nhưng đã qua 8 lần đấu giá vẫn chưa thành công. Chính vì không có tiền nên nhà thầu xây dựng bỏ dở giữa chừng, khi nào có kinh phí thì họ mới tiếp tục xây dựng”... ông Thạch nói.
Ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Chư Pưh - thông tin, trong nhiều lần đấu giá từ năm 2018 đến nay thì mới được 1/13 lô trúng đấu giá. Số tiền thu về là 1,2 tỷ đồng. “Trong năm 2021, huyện Chư Pưh đã tổ chức 2 cuộc đấu giá và người dân đã tham gia đấu giá hết 12 lô còn lại với số tiền thu về là khoảng 8,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phiên đấu này, huyện Chư Pưh lại sai mục đích sử dụng đất. Cụ thể, bản đồ quy hoạch chung là đất dịch vụ nhưng huyện lại làm hồ sơ đấu giá là đất ở. Do sai sót đó nên huyện lại phải trả lại tiền cho người dân và hủy kết quả đấu giá”, ông cho biết.
Theo ngành chức năng huyện Chư Pưh, chợ Ia Le đã qua 3 lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành. Lần cuối cùng gia hạn là đến ngày 30/10/2022. Việc thi công đến nay đang bị dừng lại nhiều tháng nay. Lý do là chủ đầu tư chưa thanh toán tiền cho đơn vị thi công.
Tiểu thương kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc.
Trong đơn kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Gia Lai ngày 28/12/2022 của các tiểu thương nêu rõ. Chúng tôi mong chính quyền đẩy nhanh việc xây chợ để bà con sớm có nơi buôn bán. Đồng thời có những chính sách đặc biệt để tất cả tiểu thương khó khăn được buôn bán, kinh doanh trong chợ.
Nhiều tiều thương bức xúc trước việc di dời cũng như khi xây dựng chợ kéo dài nhiều năm vẫn không xong. |
Nhiều tiểu thương cùng gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ quá trình thực hiện di dờ, gỡ bỏ chợ cũ trong lúc họ hoàn toàn không vi phạm hành chính để bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Qua đó, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ...
Nội dung đơn cầu cứu có đoạn: “Chúng tôi viết đơn này là vô cùng bức xúc và khốn đốn khi chính quyền huyện là Chủ tịch Lê Quang Thái chỉ đạo việc di dời và làm chợ Ia Le. Trong những năm qua chúng tôi đã gửi đơn xem xét, đơn kiến nghị, đơn cầu cứu tới các cấp chính quyền huyện, tỉnh nhưng không cơ quan nào giải quyết, cũng như giúp đỡ những khó khăn cho bà con, từ việc chúng tôi bị ép buộc di dời chợ, cũng như bị cưỡng chế, đập phá nhà cửa của chính quyền xã IaLe do ông Chủ tịch xã Lê Thanh Việt chỉ đạo. Chúng tôi đã tin lời chủ tịch xã ông Lê Thanh Việt nói bà con di dời để làm chợ mới rồi đưa các tiểu thương lên, nhưng không thực hiện lời hứa như đã nói. Khi chúng tôi đi, huyện tổ chức bán đấu giá đất ở đô thị lâu dài cho các quan chức…. Thì chúng tôi đã cầu cứu các ban ngành giúp đỡ.
Hiện nay các cơ quan đoàn thể huyện lại đo đạc và nói đất chợ tạm đã được bán, trong khi chợ mới vẫn chưa làm xong, chúng tôi vô cùng hoang mang và lo sợ vì việc buôn bán trong tình trạng bất ổn bị đuổi lúc nào không hay, vào ngày 01/11/2022 ngày họp HĐND tỉnh có về chúng tôi đã hỏi chợ khi nào hoàn thành thì Phòng cơ sở hạ tầng huyện nói giờ hết kinh xây dựng không biết khi nào xong, trong khi di dời chúng tôi chủ tịch đã hứa làm chợ trong 2 năm mà đến giờ gần 5 năm vẫn chưa hoàn thành, việc di dời gỡ bỏ, đập phá nhà cửa của chúng tôi tại chợ cũ cũng không ai giải quyết.
Chúng tôi bị oan quá, đất chợ cũ là do dân chúng tôi khai hoang, đã sinh sống hơn 30 năm, vậy mà chủ tịch huyện chỉ đạo chủ tịch xã di dời bất hợp pháp không điều tra xác minh hay thương lượng thỏa thuận với dân, dùng quyền lực để bức ép dân, giờ đây chợ tạm cũng nghe thông tin đã được bán.
Kính mong các cấp chính quyền xem xét và giải quyết. Một lần nữa kính mong các cấp chính quyền xem xét xử phạt những sai phạm của người đã làm tổn thất kinh tế và tinh thần của các tiểu thương chúng tôi.
Chợ tạm đang được các tiểu thương buôn bán nguy cơ gặp nhiều rủ ro như cháy nổ... |
Liên quan vụ việc, ông Nguyễn Tuấn Hiệp - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Pưh – cho biết: “Để kịp thời chấn chỉnh sai sót, khắc phục hậu quả, UBND huyện và các hộ trúng đấu giá đã làm việc và thống nhất hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá… Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức việc đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Khi có kinh phí sẽ tiếp tục xây dựng chợ”. “Huyện cũng đã lên phương án đấu giá 13 ki-ốt phía trước theo đúng quy định. Ngoài ra, huyện đã xây dựng khoảng 140 lô rạp trong và ngoài khuôn viên chợ để bà con tham gia đấu giá buôn bán, việc này xã sẽ phụ trách nhằm đảm bảo tất cả tiểu thương đều có chỗ bán”, ông Hiệp thông tin thêm.