Giá ở mức thấp lịch sử, cuối năm mua gom cổ phiếu ngân hàng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được định giá ở mức thấp lịch sử, hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng có nhiều triển vọng tích cực.
Định giá thấp lịch sử
Được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 45% lợi nhuận và 38% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm này thường được coi là nhóm dẫn dắt thị trường khi có tính thị trường rất cao, do đặc thù số lượng cổ phiếu lưu hành lớn.
Năm 2022 là một năm không mấy khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi xu hướng giảm giá. Hết năm 2022, có tới 25/27 mã cổ phiếu ngân hàng hạ giá, với mức giảm đạt trên 2 chữ số.
Trong đó, có tới 5 mã mất hơn 50% giá trị như: VBB (-59%), BVB (-58%), KLB (-52%), ABB (-51%), PGB (-50%).
Nhiều mã cổ phiếu “quốc dân”, đứng đầu về thanh khoản cũng bốc hơi mạnh trong năm qua. Đơn cử, SHB (-49%), TCB (-48%), STB (-29%), MBB (-29%), CTG (-20%)…
Đầu tuần này, hai cổ phiếu ngân hàng duy nhất giữ được sắc xanh trong năm 2022 là VCB và BID nhưng mức tăng không nhiều. BID tăng 4% lên mức 38.600 đồng/cp, còn VCB chỉ nhích nhẹ 1,5% lên 80.000 đồng/cp.
Trong năm 2023, thách thức vẫn hiện hữu đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng tích cực đối với nhóm ngành này. Đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong năm 2022 đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về mức thấp trong 10 năm qua. Vùng giá hiện nay tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn và ưa chuộng cổ phiều ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng có chất lượng tài sản vững chắc, bộ đệm dự phòng mạnh mẽ với triển vọng tăng trưởng bền vững.
Các chuyên gia của Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Nhưng với định giá vẫn ở mức thấp, nhóm phân tích đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Theo ACBS, trong ngắn hạn, các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn như tỷ giá ổn định, thanh khoản trên hệ thống dồi dào,... sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.
Đồng quan điểm, Chứng khoán BSC nhận định, cổ phiếu ngân hàng đang có mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn lịch sử. Trong khi đó, sức khoẻ tài chính của các ngân hàng vẫn tương đối tốt, do đó xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại.
Tương tự, Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho biết, trong năm 2023, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm sáng cho tăng giá.
Gần đây, việc khối ngoại đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngân hàng là động lực giúp VN-Index giữ được mốc 1.000 điểm.
Trong phiên giao dịch đầu năm mới 2023, thị trường chứng khoán tăng rất mạnh. Trong phiên 3/1, chỉ số VN-Index tăng gần 37 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngập trong sắc xanh với 23/27 mã tăng giá. Dòng tiền cũng đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đóng góp nhiều nhất cho chỉ số VN-Index trong phiên 3/1.
Triển vọng trong dài hạn
Theo giới phân tích, bối cảnh kinh tế chung của toàn cầu lẫn trong nước vẫn còn nhiều thử thách đối với các ngân hàng trong năm 2023.
Chính phủ đã đặt rõ mục tiêu hàng đầu trong năm 2023 là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Điều này sẽ khiến chi phí huy động vốn khó có thể giảm, trong khi lãi suất cho vay cũng khó có thể tăng, từ đó tác động tiêu cực đến biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.
Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng.
Các chuyên gia VNDirect dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, giảm từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 10-12% trong năm 2023 - 2024, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Đặc biệt, khoảng 46.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là một thử thách lớn cho hệ thống tài chính.
Nhưng sang nửa cuối năm 2023, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt. Bên cạnh đó, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Theo VNDirect, sức khỏe các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn so với trước đây. Các nhà băng vẫn được hưởng lợi nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Nhiều ngân hàng được hưởng lợi từ lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn, với chi phí thấp và hưởng lợi từ hoạt động cho vay bán lẻ. Các ngân hàng trong vài năm qua tích cực làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu có thể phát sinh.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, trong năm 2023, ngành ngân hàng tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Một số chuyên gia cũng cho rằng nhiều ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2023 và nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt VN-Index lên những tầm cao mới trong tương lai.