Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/1): GEG, MBB và STK

Yuanta cho rằng chiến lược tập trung phân khúc cho vay khách hàng cá nhân của MBB sẽ giúp hỗ trợ NIM. Cho vay khách hàng cá nhân chiếm 48% (tăng 2 điểm phần trăm so với đầu năm) tổng cho vay tính đến thời điểm cuối quý III/2022 và cho vay SME chiếm 45% tổng dư nợ cho vay.

GEG: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng kết thúc ngày 30/9/2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) đạt 1.597 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ), hoàn thành gần 74% dự báo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho năm 2022. Và lợi nhuận sau thuế cũng đạt 349 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ).

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ vào việc vận hành 3 nhà máy điện gió mới kể từ cuối năm 2021 và thoái vốn khỏi NRE mang lại khoản thu nhập tài chính 165 tỷ đồng.

PHS kỳ vọng doanh thu thuần của GEG sẽ tăng đáng kể trong năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần có thể đạt 2.686 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 27,1% và -8,65% so với 2022.

Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã giảm sút do chi phí khấu hao tăng lên sau khi hoàn thành các nhà máy điện mới vào cuối năm 2021. Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng bị hao mòn do chi phí lãi vay tăng đột biến (tăng 72% so với cùng kỳ), là kết quả của việc tăng đáng kể các khoản vay (tăng 20% so với cùng kỳ) để tài trợ cho các dự án điện đang triển khai.

PHS cho rằng tác động sẽ kéo dài đến năm 2023, khi đó biên lợi nhuận gộp và biên suất lợi nhuận ròng sẽ giảm xuống lần lượt là 53% và 16% trong năm này.

Theo PHS, sản lượng và doanh thu của GEG sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 520 tỷ đồng trong năm 2023.

GEG đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2023, cùng với Tân Phú Đông 1, cả hai sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 670 tỷ đồng vào tổng doanh thu thuần vào năm 2024 theo dự phóng của PHS.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 23.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 48%. Định giá của PHS đã bao gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây (1.188 đồng/kWh đối với ĐMT mặt đất và 1.570 đồng/kWh đối với điện mặt trời nổi).

MBB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 25.480 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) thêm 2 điểm phần trăm, đạt 19% do cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng cho MBB cao hơn mức trung bình ngành nhờ có sức khỏe tài chính vững chắc và việc tham gia tái cấu trúc Ocean Bank.

Yuanta dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt mức 19% so với cùng kỳ cho năm 2023. Tính đến cuối quý III/2022, tổng tăng trưởng tín dụng của MBB là tăng  17%so với đầu năm (so với đầu năm)

Tiền gửi của khách hàng giảm 2% so với đầu năm tính đến cuối quý III/2022, trong khi giấy tờ có giá (bao gồm chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu) tăng 52% so với đầu năm. Tổng mức tăng trưởng huy động vốn (bao gồm cả tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá) chỉ tăng 6% so với đầu năm tính đến cuối quý III/2022. Như vậy, đã có sự chênh lệch giữa tăng trưởng cho vay và tăng trưởng huy động vốn.

Yuanta kỳ vọng MBB sẽ huy động thêm vốn để giảm bớt sự chênh lệch này, việc này có thể khiến chi phí huy động vốn tăng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể cải thiện chi phí huy động bằng cách tăng cường huy động tiền gửi từ khách hàng trong khi giảm huy động từ giấy tờ có giá, vốn có lãi suất cao hơn so với tiền gửi.

Chi phí huy động vốn trung bình của MBB đối với tiền gửi của khách hàng là 2,6%, trong khi chi phí huy động vốn của các loại giấy tờ có giá là 4% trong năm 2021. Yuanta dự báo huy động vốn sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ vào năm 2023, trong đó tiền gửi của khách hàng sẽ tăng 21% so với cùng kỳ.

Yuanta cho rằng tỷ lệ NIM của ngành sẽ gặp khó trong nửa đầu năm 2023 do chi phí huy động vốn nhìn chung sẽ tăng cao hơn, nhưng công ty chứng khoán này cũng cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023. Do đó, NIM của toàn ngành có thể sẽ chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ vào năm 2023.

Tuy nhiên, Yuanta kỳ vọng tỷ lệ NIM của MBB sẽ ít bị tác động hơn so với trung bình ngành do ngân hàng này có lợi thế về chi phí vốn vượt trội so với ngành, tỷ lệ CASA của MBB cao thứ hai trong ngành ở mức 42,4% tính đến cuối quý III/2022, cao hơn nhiều so với mức trung vị ngành là 13,7%.

Ngoài ra, chiến lược tập trung phân khúc cho vay khách hàng cá nhân của MBB cũng sẽ giúp hỗ trợ NIM. Cho vay khách hàng cá nhân chiếm 48% (tăng 2 điểm phần trăm so với đầu năm) tổng cho vay tính đến thời điểm cuối quý III/2022 và cho vay SME chiếm 45% tổng dư nợ cho vay.

Chi phí huy động vốn thấp là một yếu tố hỗ trợ tỷ lệ NIM của MBB. Chi phí huy động vốn của MBB thuộc hàng thấp nhất ngành. Yuanta dự báo chi phí huy động vốn của MBB sẽ tăng nhẹ lên 2,9% (tăng 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong năm 2023. Gia tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân cũng sẽ có lợi cho NIM. Do đó, Yuanta kỳ vọng NIM của MBB sẽ đạt 5,67% (tăng 22 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu của MBB là 1,04% tính đến cuối quý III/2022, đây là một tỷ lệ tương đối thấp và ấn tượng mặc dù ngân hàng này sở hữu đến 50% cổ phần tại một công ty con cho vay tài chính tiêu dùng Mcredit.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ chỉ đạt 0,9%. Tuy nhiên, Yuanta dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng sẽ tăng do bị ảnh hưởng bởi các vấn đề đến từ ngành bất động sản và MBB không là ngoại lệ.

Công ty chứng khoán này dự báo tỷ lệ nợ xấu của MBB sẽ tăng lên và đạt 1,24% (tăng 34 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong năm 2022 và đạt 1,3% (tăng 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ) vào năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB thuộc hàng cao nhất trong ngành, cho thấy MBB có bước đệm vững chắc hơn so với trung bình ngành. Tỷ lệ LLR của MBB là 208% vào thời điểm cuối quý III/2022.

Yuanta giảm dự báo trích lập dự phòng -11% so với dự báo trước đó, đạt 7,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 (tăng 28% so với cùng kỳ). Yuanta kỳ vọng tỷ lệ chi phí tín dụng (dự phòng/ bình quân dư nợ cho vay) sẽ đạt 1,53% vào năm 2023 (giảm 89 điểm cơ bản so với năm 2021, nhưng tăng 8 điểm cơ bản so với năm 2022).

MBB đang giao dịch tương ứng với P/B dự phóng năm 2023 đạt 0,8 lần, so với trung vị ngành là 1 lần. Yuanta cho rằng MBB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với hầu hết các ngân hàng khác nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh tốt và chất lượng tài sản vững chắc.

Yuanta kỳ vọng ROE năm 2023 của MBB sẽ đạt 23%, so với trung vị ngành là 18% (nguồn: Bloomber).

STK: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.499 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số trong quý III/2022 lần lượt là 515 tỷ đồng (tăng 9,9% so với cùng kỳ) và 50 tỷ đồng (giảm 19,7% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số đạt 1.685 tỷ đồng (tăng 9,0% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch) và 197 tỷ đồng (giảm 2,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch).

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kết quả kinh doanh của STK đã chậm lại trong 2 quý trở lại đây trong bối cảnh lạm phát làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm may mặc, khiến các nhãn hàng là khách hàng gián tiếp của STK chưa thể giải phóng được lượng hàng tồn kho lớn.

Chu kì đặt hàng-giao hàng của STK thường khoảng 2 tháng, vì vậy BVSC kì vọng phục hồi sẽ phụ thuộc vào tình hình đơn hàng kí mới trong quý I/2023. Theo BVSC, triển vọng dài hạn của STK đến từ mở rộng công suất và tăng tỷ trọng sợi tái chế trong cơ cấu doanh thu.

Theo xu hướng giảm thiểu “thời trang nhanh”, hướng tới các tác động bảo vệ môi trường, nhiều nhãn hàng cam kết nhiều hành động cụ thể như gia tăng sử dụng sợi tái chế trong cơ cấu sản phẩm, giảm thiểu rác thải,... Để phục vụ cho xu thế này, STK có kế hoạch mở rộng công suất gấp 2 lần hiện tại trong giai đoạn 2023-2025 với dự án nhà máy Unitex và dự án Liên minh sợi-dệt-nhuộm.

BVSC hạ dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số năm 2022 của STK xuống lần lượt là 2.250 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và 241 tỷ đồng (giảm 13%). Một số giả định chính bao gồm sợi nguyên sinh có sản lượng tăng 4% so với cùng kỳ, giá bán tăng 5% so với cùng kỳ, price gap giảm và sợi tái chế chiếm 51% cơ cấu doanh thu nhờ giá bán tăng 10% so với cùng kỳ khi price gap mở rộng.

BVSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số năm 2023 của STK lần lượt là 2.286 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) và 231 tỷ đồng (giảm 4%); lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu may mặc tại các thị trường phương Tây vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng CARG giai đoạn 2021- 2027 cho doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số kì vọng đạt 14 - 14,5%, động lực tăng trưởng tới từ việc gia tăng tỷ trọng sợi tái chế trong cơ cấu doanh thu; và mở rộng gấp đôi công suất thiết kế.

BVSC đưa ra mức giá mục tiêu là 33.499 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu STK từ hai phương pháp FCFE và P/E. BVSC đưa ra khuyến nghị khả quan với STK. Với triển vọng dài hạn tích cực của sợi tái chế và mức định giá chiết khấu sâu, BVSC cho rằng đáy lợi nhuận sẽ là thời điểm phù hợp để bắt đầu nắm giữ STK với tầm nhìn dài hạn.

Hải Đường

Theo VietnamFinance