Giá vàng quốc tế lên 3.000 USD/ounce, vàng miếng trong nước vượt 110 triệu/lượng?
Các nhà phân tích của Ngân hàng Citi (Mỹ) nhận định giá vàng thế giới có thể vọt lên 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng tới. Nếu vậy, giá vàng miếng SJC có thể tăng lên trên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới có thể lên 3.000 USD/ounce
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn CNBC, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Ngân hàng Citi, dự báo giá vàng thế giới có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng tới.
Theo ông Doshi, kịch bản này xảy ra nếu thị trường tiếp nhận 1 trong 3 chất xúc tác: các ngân hàng trung ương tăng mạnh hoạt động mua vào vàng, nguy cơ lạm phát đình trệ hoặc kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.
Nhà phân tích của Citi nhận định kịch bản có khả năng xảy ra nhất khiến giá vàng vọt lên 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của xu hướng phi đôla hóa của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD.
Ông Doshi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng.
Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng, trong khi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Hội đồng Vàng Thế giới ước tính vào tháng 1 rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì hai năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng.
Theo ông Doshi, nếu con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tấn, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy mạnh mẽ.
Một yếu tố khác khiến giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/ounce là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu, vốn sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng.
Giá vàng có xu hướng tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Lạm phát đình trệ (chỉ tình trạng lạm phát ngày càng tăng trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng) có thể là một chất xúc tác khác khiến giá vàng tăng vọt.
Tuy nhiên, ông Doshi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp.
Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn và có xu hướng tăng giá trong thời kỳ kinh tế bất ổn khi các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Nhiều dự báo khác cũng cho rằng, giá vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2024.
Ngân hàng Bank of America mới đưa ra dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce trong năm 2024, cao hơn kỷ lục 2.100 USD/ounce ghi nhận vào gần cuối năm 2023.
Giá vàng trong nước có tăng lên 110 triệu đồng/lượng?
Sáng 22/2, giá vàng giao ngay thế giới được giao dịch ở mức 2.027,3 USD/ounce, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử 2.135 USD/ounce hồi tháng 12/2023.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá ngân hàng hiện tương đương 60,9 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí).
Còn giá vàng miếng SJC đang đứng ở mức 77,9 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn so với mức cao kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 26/12/2023.
Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trong dự báo của Citi, giá vàng thế giới sẽ lên 3.000 USD/ounce (tương đương 90,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank ở mức 24.700 đồng/USD). Thậm chí, giá vàng có thể cao hơn nếu tỷ giá USD/VND tăng trong tương lai.
Với mức chênh 17-20 triệu đồng, giá vàng miếng SJC có thể tăng gần gấp rưỡi so với hiện nay, lên trên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng ngay nửa cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm sau.
Nhưng điều kiện để giá vàng miếng SJC cao hơn hẳn giá vàng thế giới quy đổi thì nguồn cung vàng trong nước phải tiếp tục khan hiếm như hiện tại và vàng miếng SJC vẫn là thương hiệu quốc gia độc quyền duy nhất.
Cuối tháng 12/2023, khi vàng miếng SJC tăng vọt lên trên 80 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá vàng rất lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ sửa Thông tư 24 về quản lý thị trường vàng và đưa ra các giải pháp để ổn định thị trường này trong tháng 1/2024. Song cho tới nay, cơ quan này vẫn chưa đưa ra giải pháp.
Trong buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24.
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN được yêu cầu phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý I/2024.
Nếu NHNN có giải pháp rất có thể mức chênh giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm mạnh. Và giá vàng miếng SJC có khả năng chỉ ở mức trên dưới 100 triệu đồng/lượng nếu giá vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, giá vàng rất khó đạt tới mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng dự báo giá vàng có thể lên 3.000 USD/ounce chỉ mang tính tham khảo. Theo ông, giá vàng rất khó đạt tới mốc cao như vậy trong thời gian ngắn.
Ông Long cho biết, để giá vàng lên đến mức 3.000 USD/ounce thì phải sau rất nhiều năm nữa. Năm 2011, giá vàng thế giới đã lập đỉnh mọi thời đại ở mức 1.910 USD/ounce nhưng sau đó giảm về 1.700 USD/ounce… Sau hơn 10 năm, giá vàng cũng chỉ dao động quanh vùng 1.900-2.000 USD/ounce.
Chuyên gia này cũng cho biết, đây là dự báo của một tổ chức kinh tế trên thế giới, không phải vì thế mà quá hoảng hốt. Thực tế vàng của Việt Nam không ảnh hưởng tới kinh tế vi mô lớn vì Nhà nước kiểm soát vàng rất chặt chẽ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định giá vàng vẫn tiếp tục tăng nhưng sẽ không lên tới 3.000 USD/ounce trong thời gian ngắn. Thị trường vàng ở Việt Nam tiếp tục tăng vì cung - cầu vẫn còn mất cân bằng. Nếu Nghị định 24 không được sửa đổi thì giá vàng vẫn tăng. Còn nếu Nghị định 24 được sửa đổi thì sẽ ổn định được giá vàng và làm chậm chân bước tăng trưởng của giá vàng.