Giá vàng tăng nóng, hãng vàng thu lãi cả tỷ đồng mỗi ngày
Trong bối cảnh nhu cầu mua vàng của người dân tăng cao, các doanh nghiệp như DOJI, PNJ đã thu về khoản lợi nhuận khủng trong năm 2023.
Theo báo cáo tài chính vừa gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã thu về mức lợi nhuận sau thuế 491 tỷ đồng trong năm 2023.
Mặc dù giảm gần 52% so với năm 2022 nhưng lãi ròng năm 2023 của DOJI vẫn cao hơn giai đoạn trước đó.
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm 2023 là 2,35 lần, cao hơn so với năm trước (1,95 lần).
Ngoài ra, DOJI đã hết nợ trái phiếu vào cuối năm 2023. Trong giai đoạn 2020 – 2021, DOJI từng phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị ban đầu là 2.850 tỷ đồng cùng lãi suất dao động 8,75 – 9,5%/năm. Từ năm 2022 đến nay, DOJI đã nhiều lần mua lại trước hạn tất cả các lô trái phiếu.
Trước DOJI, một đơn vị kinh doanh vàng bạc khác là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng báo lãi khủng trong năm 2023. Theo báo cáo tài chính của công ty, PNJ kết thúc năm 2023 với doanh thu thuần đạt 33.137 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 1.971 tỷ đồng.
2023 là năm lãi ròng cao nhất của PNJ trong 35 năm hoạt động. So với đối thủ DOJI, khoản lợi nhuận năm 2023 của PNJ cao hơn gấp 4 lần.
Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vàng bạc đá quý trên diễn ra trong bối cảnh nhu cầu mua vàng của người dân tăng cao, đặc biệt là vào quý IV/2024.
Cũng trong năm 2023, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh. Có những thời điểm, giá vàng miếng SJC vượt mốc 80,3 triệu đồng/lượng, tăng tới gần 10 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2023.
PNJ và DOJI cũng là 2 trong 3 doanh nghiệp được Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra những điều chỉnh liên quan đến Nghị định 24 cũng như chưa quyết định đơn vị nào sẽ được quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.