Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 14 triệu, NHNN lý giải

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 4 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có xu hướng tăng cao do nhiều nguyên nhân.

Hôm nay (12/7), giá vàng thế giới tăng lên 3.354,88 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới ở mức hơn 107 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí.

Trong khi đó, mỗi lượng vàng miếng trong nước hôm nay tăng nửa triệu đồng, lên mức cao nhất hai tháng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 119,5 - 121,5 triệu đồng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Các thương hiệu khác cũng nâng giá vàng miếng lên 119,5 - 121,5 triệu đồng một lượng (mua - bán).

Giá vàng nhẫn trơn được SJC nâng lên 115 - 117,5 triệu đồng mỗi lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn lên 116,2 - 119,2 triệu đồng. Cùng thời điểm, nhẫn trơn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết 115,2 - 118,2 triệu đồng một lượng (mua - bán).

Hiện giá mỗi lượng vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới 14,2 triệu đồng.

Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 14 triệu, NHNN lý giải - Ảnh 1

Tại công điện ngày 6/7 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7.

Trước đó, vào cuối tháng 5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1 - 2%, không thể để trên 10%.

Liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, tại báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP nằm trong hồ sơ thẩm thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP được công bố ngày 11/7, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều lý giải xung quanh vấn đề này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 4 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có xu hướng tăng cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ, xung đột chính trị thế giới căng thẳng; không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi…

"Thị trường đang có những biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng. Tuy nhiên, những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý, có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền khi cần thiết", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 - 2021, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc lên tới 17-18 triệu đồng/lượng trong giai đoạn từ cuối năm 2021 đến tháng 4/2024.

Nhưng đến cuối năm 2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp chỉ còn khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng. Trong 3 tháng đầu năm nay, mức chênh lệch này giảm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, gần đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại bị đẩy lên khoảng 14-15 triệu đồng mỗi lượng.

Mai Anh

Theo VietnamFinance