Giải mã lý do cần 'thay áo' cho sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025
Theo dự kiến, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sỡ hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ và sổ hồng) sẽ được ban hành một mẫu mới thống nhất và áp dụng trên phạm vi cả nước đối với mọi loại đất cũng như tài sản gắn liền với đất.
Việc thay mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới có thật sự cần thiết và vì sao nên thay mẫu sổ hồng, sổ đỏ từ năm 2025?
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính.
Dự thảo nêu rõ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng, sổ đỏ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (GCN) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, Giấy chứng nhận (GCN) chuyển từ 4 trang thành 2 trang, in nền hoa văn trống đầu màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) có kích thước 210x297mm, gồm các nội dung theo quy định như thông tin về số thửa đất, loại đất, thời hạn và nguồn gốc sử dụng, địa chỉ thửa đất, mã QR...
4 lý do nên thay mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới từ năm 2025
1. Tính bảo mật cao
Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Mai Văn Phấn chia sẻ trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết mẫu GCN được thiết kế thêm mã QR giúp người dân có thể tra cứu và phản hồi thông qua QR code hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ TN&MT, Cổng dịch vụ công của các địa phương hoặc đề nghị cung cấp thông tin tại cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra theo ông Phấn, việc GCN mới sẽ tăng cường yếu tố bảo mật, bảo an, bổ sung các yếu tố chống giả đóng và chống giả mở (chống giả đóng là chỉ cơ quan phát hành phôi GCN mới có thẩm quyền xác thực; chống giả mở là yếu tố để các đối tượng có liên quan có thể xác thực trực quan), cho phép người dân có thể tra cứu, xác thực thông tin trực tiếp của GCN với cơ quan có thẩm quyền.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp làm giả GCN ở một số địa phương, gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như các đối tượng khác có liên quan, gây bất ổn tình hình an ninh, trật tự.
Việc thêm mã QR và GCN sẽ giúp người dân dễ dàng kiểm soát sổ đỏ, sổ hồng thật - giả mà không cần đến các cơ quan thẩm quyền để thực hiện.
2. Thuận tiện trong bảo quản
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông thường hiện gồm 4 trang gây khó khăn trong quá trình bảo quản, do đó Bộ TN&MT đã đề xuất mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới sẽ chỉ có 2 trang.
Việc này sẽ đảm bảo được tính toàn vẹn, tránh trường hợp tốn nhiều thời gian, chi phí cấp lại toàn bộ GCN do mất trang bổ sung được đính kèm.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mẫu GCN gồm một tờ có 04 trang, in hoa văn trống đồng có màu hồng cánh sen. Nhiều trường hợp Giấy chứng nhận còn có thêm một Trang bổ sung với nền màu trắng dùng để ghi nhận các thông tin thay đổi khi người dân:
- Đăng ký thế chấp hoặc xóa chấp sau khi thực hiện thế chấp nhà đất.
- Cho thuê/thuê lại, xóa cho thuê/cho thuê lại đối với đất của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Chuyển quyền sử dụng đất/quyền sở hữu căn hộ khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê đối với căn hộ chung cư đã có sổ.
- Chứng nhận những bổ sung, thay đổi tài sản gắn liền với đất mà không thể thực hiện chỉnh lý sơ đồ tài sản trên trang 3 Giấy chứng nhận.
Bộ TN&MT cũng đề xuất thiết kế nhỏ gọn lại mẫu GCN mới nhằm phù hợp với các loại máy in, máy quét phổ biến hiện nay tại các cơ quan có thẩm quyền.
3. Giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, khai thác
Những thông tin được in trên GCN mới sẽ chỉ thể hiện những thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trong khi đó những thông tin khác về người sử dụng đất hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, thông tin cụ thể về thửa đất sẽ được lưu trữ qua mã QR.
Nhờ đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện khai thác thông tin thông qua mã QR, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ TN&MT, Cổng dịch vụ công tại từng địa phương nơi có đất.
Điều này cũng sẽ giúp người dân từng bước tiếp cận với các công nghệ hiện đại trong công cuộc công nghệ số hoá các thủ tục hành chính trong thời đại hiện nay.
Ngoài ra, việc này cũng giúp hiện đại hoá ngành quản lý đất đai và Bộ TN&MT cũng dễ dàng trong việc quản lý và lưu trữ các thông tin về GCN, người sử dụng đất và các thông tin liên quan.
4. Đảm bảo tính mỹ quan
Thời gian tới, khi thay mẫu GCN (sổ đỏ, sổ hồng) mới thì cả trnag 1 và trang 2 đều sẽ được thiết kế sao cho đảm bảo được tính trang trọng, mỹ quan mà vẫn đảm bảo được dung lượng thông tin để nhận biết, cụ thể:
1. Trang 1 của GCN sẽ gồm: Quốc hiệu; Quốc huy (thu nhỏ và nằm ở bên trái GCN thay vì ở giữa như trước đây); Mã QR; Tên GCN in màu đỏ; Thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Thông tin thửa đất; Thông tin tài sản gắn liền với đất; Ghi chú; Sơ đồ thửa đất; Địa danh, ngày tháng năm ký GCN' Cơ quan ký GCN tại góc dưới cùng bên phải Trang 1; Nội dung lưu ý đối với người được cấp GCN.
2. Trang 2 của GCN gồm: Những thay đổi sau khi cấp GCN từ cơ quan có thẩm quyền; Số vào sổ cấp GCN.