Giảm lãi suất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo Ngân hàng Nhà nước việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chiều ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào và có dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Các giải pháp điều hành linh hoạt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 03 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-1,5%/năm. Cùng với đó, trong tháng 5/2023, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Giảm lãi suất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Là một trong nhóm ngân hàng Big four, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, thời gian qua Vietcombank luôn theo sát các chỉ đạo điều hành về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, Vietcombank đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ.
"Đối với đợt giảm lãi suất lần thứ 3 này, Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung", ông Lê Quang Vinh nói.
Còn ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) thì cho rằng đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Với thị trường hiện đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hành và cả các ngân hàng trong thời gian tới.
Đánh giá về chính sách tiền tệ, ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "Chính sách tiền tệ, chính sách hạ lãi suất hiện nay một phần dựa trên căn cứ đang giảm khá nhanh trong nước. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng như xu hướng tăng trưởng đang chậm lại. Chính sách tiền tệ đang có xu hướng không chỉ thận trọng với lạm phát mà tính đến cả khả năng hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục được".
Lạm phát hạ nhiệt, một phần cũng do sức cầu suy giảm khi kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ sụt giảm nhu cầu xuất khẩu trên thế giới. Vì thế, động thái hạ lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Giúp cho việc các ngân hàng thương mại sẽ có động lực hạ lãi suất huy động của mình, từ đó làm giảm chi phí vốn của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó, họ giảm được lãi suất cho vay và cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế", ông Nguyễn Đức Khanh - Trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Pinetree cho biết.
Trước đó, nhiều tổ chức như Viện nghiên cứu đào tạo BIDV, hay VNDirect cũng đã đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất có thể giảm từ 0,5-2% trong năm nay.
Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Nhưng bên cạnh lãi suất, vẫn cần có thêm các giải pháp đồng bộ khác để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.