Liên tục giảm lãi suất: Cần nhưng chưa đủ

Việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Tiếp tục nới lỏng 

Chiều 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua, NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Lần này, NHNN không giảm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên nhưng lại giảm trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng lần thứ 2 liên tiếp. Theo nhiều chuyên gia, động thái này sẽ phát tín hiệu quan trọng cho thị trường về xu hướng lãi suất thời gian tới.

Một điều quan trọng nữa là các mức lãi suất cho vay qua đêm, cho vay tái cấp vốn giảm cũng là chỉ báo cho thấy NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại với mức thấp hơn và đó cũng là nỗ lực để kéo giảm chi phí vốn cho các ngân hàng.

Trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát thì NHNN lại chọn thời điểm này để hạ lãi suất. Lý giải về việc này, NHNN cho hay, mặc dù còn nhiều rủi ro từ suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt, lạm phát trong nước cũng tăng chậm lại. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định. Đó là những cơ sở để NHNN điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt.

Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Quốc dân đánh giá: "Chính sách tiền tệ, chính sách hạ lãi suất hiện nay một phần dựa trên căn cứ đang giảm khá nhanh trong nước. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng như xu hướng tăng trưởng đang chậm lại. Chính sách tiền tệ đang có xu hướng không chỉ thận trọng với lạm phát mà tính đến cả khả năng hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục được".

Lạm phát hạ nhiệt, một phần cũng do sức cầu suy giảm khi kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ sụt giảm nhu cầu xuất khẩu trên thế giới. Do đó, động thái hạ lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

"Giúp cho việc các ngân hàng thương mại sẽ có động lực hạ lãi suất huy động của mình, từ đó làm giảm chi phí vốn của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó, họ giảm được lãi suất cho vay và cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế", ông Nguyễn Đức Khanh - Trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Pinetree - nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - đánh giá: "Đây là mức giảm lãi suất tương đối phù hợp ở giai đoạn này. Khi lãi suất giảm, tỷ giá VND cũng sẽ giảm do đó sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Nhìn chung chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại còn cao, do đó với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành thì tương lai gần trong vòng vài tháng nưa chúng ta sẽ giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế".

Còn ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group - cho rằng, đây là động thái phù hợp trong bối cảnh sức khỏe kinh tế trong nước vẫn đang thể hiện dấu hiệu suy yếu rõ nét và cần sự hỗ trợ nhanh chóng.

Theo ông Báu, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Bởi nếu xét về mặt số học thì NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.

Liên tục giảm lãi suất: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1

Giảm lãi suất sẽ không có nhiều tác động?

Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo ACBS, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Vì vậy, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS cho hay.

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, chênh lệch hoán đổi giữa VND và USD hiện vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng sẽ giảm đi so với giai đoạn trước.

Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) (MAS) nhận định, động thái trên cho thấy NHNN đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Với thông tin về việc tiếp tục giảm mức trần huy động ở mức 0,5%, MAS đánh giá điều này sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao. Dựa theo số liệu năm 2022, nhóm phân tích đưa ra 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trước quyết định giảm lãi suất này. Đó là bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông và hải sản, xây dựng.

Theo MAS, trong ngắn hạn, việc giảm lãi suất phần nào sẽ giúp cho lợi nhuận của các nhóm ngành nêu trên được cải thiện bù đắp trong bối cảnh những yếu tố đầu vào có thể bị tác động tiêu cực bởi việc tăng giá điện 3% ngược chiều.

Trước đó, NHNN liên tục tăng lãi suất từ 3,5%/năm lên 5%/năm đối với kỳ hạn 1-6 tháng trong năm 2022 cũng là một nguyên nhân khiến cho lợi nhuận các nhóm này biến động mạnh, hầu hết điều ghi nhận mức giảm, ngoại trừ nhóm xây dựng vẫn có mức tăng nhẹ với 12,5%.

TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này. Song để hiện thực hóa các tính toán này cần phải có sự phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, vì giảm lãi suất sẽ có lợi cho tất cả. Bởi, khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance