Giật mình với những sai phạm gây lãng phí cả chục tỷ đồng của buýt nhanh BRT Hà Nội

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến buýt nhanh BRT Hà Nội và gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Như Nhadautu.vn đã thông tin hồi 4/10/2017, đoàn công tác của UBND TP. Hà Nội đã đến và làm việc tại trụ sở Thanh tra Chính phủ để giải trình những vấn đề liên quan đến dự án BRT. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội có mặt trong đoàn công tác này.

Tại buổi làm việc này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến việc quản lý, thực hiện Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội - Hợp phần BRT, trong đó có  việc lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế và dự toán, tổ chức đấu thầu, nghiệm thu thanh toán giá trị của 35 xe buýt nhanh BRT...

Trước các thông tin liên tiếp cho rằng xe buýt nhanh (BRT) đội giá cả tỷ đồng/chiếc, nhà cung cấp xe BRT là Liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã có phản hồi về vấn đề này trên báo chí. Thực tế, xe buýt BRT được thiết kế theo đơn đặt hàng riêng của Hà Nội với động cơ Hino (nhập khẩu từ Nhật Bản), áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro III.

Đồng thời, xe cũng sử dụng hộp số tự động 6 cấp, hệ thống cầu trước - sau với cơ cấu phanh đĩa tại 4 bánh xe (Công nghệ Đức). Hệ thống treo khí nén kết hợp với hệ thống nâng hạ sàn tự động (Công nghệ Đức). Bên cạnh đó, khung gầm kết cấu monocoque và các đặc tính kỹ thuật khác đều đảm bảo theo đúng yêu cầu thiết kế, như cửa mở bên trái để tiếp cận nhà chờ; hệ thống cơ cấu bậc tự động tiếp cận bậc nhà chờ; cơ cấu 26 chỗ ngồi và 64 vị trí đứng; bảo hành 36 tháng thay vì 12 tháng so với mẫu xe Hyundai Universe… 

Giật mình với những sai phạm gây lãng phí cả chục tỷ đồng của buýt nhanh BRT Hà Nội - Ảnh 1
Nhà chờ tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Đông

Công ty Thiên Thành An được hưởng hơn 42 tỷ đồng chênh lệch

Dự án BRT có tổng chiều dài toàn tuyến là 14,7 km từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng 20,7 triệu USD, thiết bị hơn 24 triệu USD, tư vấn đầu tư xây dựng và tư vấn dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật gần 7 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư cho BRT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án từ quý IV/2007 đến năm 2010 nhưng trên thực tế đến năm 2013, Hợp phần BRT mới khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và đến cuối năm 2016 mới được đưa vào hoạt động. Tổng giá trị nghiệm thu cho Hợp phần BRT hơn 706 tỷ đồng, tổng giá trị đã thanh toán 657,5 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005.

Cụ thể, Đoàn xe BRT (35 xe) do nhà thầu liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện, Chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, Điều 101 Luật Xây dựng 2014 về điều kiện được chỉ định thầu.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, Chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của WB như: không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Trong Liên danh nhà thầu trúng thầu, Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện 75% (cung cấp 35 xe BRT) với số tiền hơn 171 tỷ đồng; Công ty CP Thiên Thành An thực hiện 25% công việc (cung cấp, lắp đặt thiết bị, kiểm tra xe, vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ) với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngoài số tiền theo hợp đồng, Thiên Thành An còn được hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của Ô tô Trường Hải cho Thiên Thành An để Thiên Thành An xuất bán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng. Đây là số tiền nằm trong 75% công việc của Ô tô Trường Hải được phân chia theo hợp đồng. Thiên Thành An cũng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với số tiền chênh lệch hơn 42 tỷ đồng này.

Giật mình với những sai phạm gây lãng phí cả chục tỷ đồng của buýt nhanh BRT Hà Nội - Ảnh 2
Bên trong nhà chờ buýt nhanh BRT Hoàng Đạo Thúy không một bóng người

Gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng chục tỷ

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp của Hợp phần Dự án BRT (CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung. Tuy nhiên, Chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,33 tỷ đồng, vi phạm Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 6 Thông tư 04/2010/TT-BXD.

Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Chủ đầu tư cũng thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký hơn 0,2 tỷ đồng (hợp đồng theo đơn giá cố định), gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Tại Gói thầu CP4d - Trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã do nhà thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Long và Công ty CP Hồng Hà Việt Nam thực hiện thì chậm tiến độ 417 ngày, vi phạm Khoản 1 Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP.

Tại hạng mục cừ, giằng chống tầng hầm của Gói thầu CP4d, Chủ đầu tư chấp thuận để lại 83 cây cừ Larsen với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, gây lãng phí ngân sách nhà nước… Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng thực hiện một số công việc không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,62 tỷ đồng như: bổ sung phần kết cấu thân, văn phòng kiến trúc, nhà chờ xe buýt; phát sinh công việc đắp cát bằng máy đầm cóc…

TTCP cũng cho biết, tại Gói thầu CP4a (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến), Gói thầu CP4b (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa), Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng. Việc thay thế mặt đường đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.

Giá xe buýt BRT do nhà thầu Trường Hải cung cấp là trên 5 tỷ đồng/xe, trong đó giá xe bao gồm thuế là 4,91 tỷ, còn lại là chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT...

Buýt BRT có thiết kế riêng với sàn xe cao và cửa mở bên trái, khác xe thông thường, với sức chứa 90 hành khách, hệ thống đóng mở cửa tự động khi tiếp cận cửa nhà chờ. Xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế với các đặc tính, thông số kỹ thuật như: động cơ Hino của Nhật Bản; hộp số tự động 6 cấp của Đức. Gói thầu đoàn xe còn được bổ sung các hạng mục như tủ điện cùng hệ thống thiết bị, cáp tín hiệu... trị giá khoảng 17,7 tỷ đồng.

Theo Nhân Hà/Nhà Đầu Tư