Gỡ khó nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam: Có bảo kê?

Tình trạng bảo kê vật liệu xây dựng từng xảy ra khá nhiều ở các địa phương, vì thế, các địa phương phải tập trung xử lý dứt điểm tình trạng này

Bộ GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát tiến độ, chất lượng, kế hoạch giải ngân, giải quyết một số vướng mắc khi triển khai các dự án giao thông. Trong đó, có yêu cầu khẩn trương gỡ khó nguồn vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Gỡ khó nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam: Có bảo kê? - Ảnh 1
Bộ GT-VT chỉ đạo gỡ khó về nguồn vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án. ảnh: Báo Giao thông

Chỉ đạo trên liên quan tới những phản ánh trước đó của lãnh đạo các Ban quản lý dự án về tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu đắp nền đường ở địa phương khiến nhà thầu không chủ động được nguồn vật liệu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, phương án tổ chức thi công.

Đề cập tới thực tế trên, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn cung ứng vật liệu đắp nền đường cho dự án gặp khó khăn có thể xảy ra tại nhiều địa phương. Với nhiều tỉnh, để phục vụ cho quá trình thi công dự án nguồn vật liệu như cát đen san nền, đá, đất đắp bao... thường được vận chuyển từ nơi khác đến.

Do đó, với những dự án thi công trên địa bàn các tỉnh miền Trung cần phải đặt ra hai vấn đề: Một là nếu thiếu thì có thể phải vận chuyển vật liệu từ nơi xa tới. Hai, nếu có sẵn thì phải quy hoạch nguồn vật liệu ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án. Việc quy hoạch ngay nguồn vật liệu, bao gồm cả các mỏ đất, đá nhằm quản lý tốt hơn nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án sau này.

Đưa ra phương án như vậy, PGS.TS Trần Chủng cho biết, trong thực tế có việc giao các mỏ đất, mỏ đá cho các đầu lậu, các ông chủ cai, thầu mỏ dẫn đến xảy ra tình trạng chủ thầu khống chế, đầu cơ, bảo kê nguồn vật liệu khiến các ban quản lý dự án tiếp cận rất khó khăn. Trường hợp tiếp cận được thì hoặc phải chấp nhận mua giá cao hoặc phải chung chi, chia lại hoa hồng gây bức xúc.

Vì thế, việc tìm kiếm các mỏ đất, đá, cát để quy hoạch và quản lý chặt chẽ phục vụ lâu dài cho các dự án giao thông ngay từ đầu là rất cần thiết. Việc quy hoạch các mỏ vừa giúp chủ động trong quá trình cung cấp vật liệu xây dựng cũng như hạn chế tình trạng bảo kê, ép giá vật liệu.

"Tình trạng bảo kê vật liệu xây dựng từng xảy ra khá nhiều ở các địa phương, vì thế, các địa phương phải tập trung xử lý dứt điểm tình trạng này", vị chuyên gia nói.

Trở lại với chỉ đạo của Bộ GT-VT, PGS.TS Trần Chủng cho rằng cần rà soát lại các phương án tài chính xây dựng cho dự án trước đây như thế nào? Nguồn vật liệu ở đâu, khối lượng bao nhiêu và giá cả thế nào?

Nếu nguồn vật liệu đã nằm trong quy hoạch nhưng ban quản lý dự án vẫn không thể khai thác được thì phải làm rõ nguyên nhân, vướng mắc ở đâu để có biện pháp xử lý.

"Ví dụ có thể do đánh giá về trữ lượng của mỏ chưa chính xác, trữ lượng không đủ phục vụ nhu cầu thực hiện dự án. Hoặc cũng có thể do công tác cung ứng của các chủ mỏ gặp khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu... tất cả phải được điều tra, làm rõ.

Hoặc cũng có thể do vướng mắc trong quy định, quản lý về tài nguyên, việc vận chuyển vật liệu từ địa phương này qua địa phương khác gặp nhiều khó khăn, khiến đơn vị thi công gặp khó khăn. 

Vì thế, việc quản lý khai thác các nguồn lợi từ tài nguyên vẫn là vấn đề bức xúc trong triển khai các dự án giao thông, nhất là dự án Bắc - Nam đang được triển khai xuyên suốt từ Bắc tới Nam", vị chuyên gia cho hay.

Nhấn mạnh việc quy hoạch nguồn vật liệu, PGS.TS Trần Chủng cho rằng, khi có quy hoạch rồi mà gặp khó khăn trong cung ứng vật liệu thì sẽ dễ tìm được nguyên nhân và kiến nghị giải pháp xử lý.

Thái Bình

Theo Đất Việt