Gỡ nút thắt xây nhà ở công nhân tại khu công nghiệp

Một trong những điểm mới mang tính đột phá của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) được Chính phủ ban hành tháng 5 vừa qua là nút thắt xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động được tại KCN đã được tháo gỡ.

Khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân

Việt Nam hiện có 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để các KCN, KKT đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản, ngày 22/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý KCN và KKT (Nghị định 82).

Sau gần 5 năm triển khai Nghị định 82, đến nay một số quy định về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của các KCN, KKT bắt đầu xuất hiện những hạn chế, bất cập.

Do đó, ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT (Nghị định 35) giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82.

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp, so với Nghị định 82, Nghị định 35 đã có nhiều điểm mới với những giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt. Một trong những điểm mới đột phá của nghị định này là công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN.

Tại diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế" ngày 26/8 tại Hà Nội, bà Trần Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ nhấn mạnh, Nghị định 35 đã có rất nhiều thay đổi tiến bộ so với Nghị định 82.

Gỡ nút thắt xây nhà ở công nhân tại khu công nghiệp - Ảnh 1

Bà Trần Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ.

"Với riêng KCN Nam Đình Vũ, chúng tôi thấy có 2 điểm chính đang có tác động trực tiếp đến KCN. Đầu tiên, chính là nhà ở công nhân. Trong Nghị định 82 trước đây, người lao động không được ở lại trong KCN. Chỉ có những lao động là chuyên gia nước ngoài được ở lại với điều kiện được sự đồng ý của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định 35 khuyến khích đầu tư tất cả cơ sở lưu trú cho người lao động ở lại trong KCN", bà Trần Tố Loan chia sẻ.

Một số KCN mới và quy hoạch của cấp tỉnh cũng đang yêu cầu dành tối thiểu 2% diện tích để xây dựng cho nhà ở công nhân. Đây là một sự thay đổi rất lớn.

Ví dụ KCN Nam Đình Vũ toạ lạc tại KKT Đình Vũ - Cát Hải - nơi tập trung rất nhiều cảng biển và KCN với tổng diện tích trên 5.000 ha, với tổng số lao động dự kiến tối thiểu là 500.000 lao động. Nhưng toàn bộ khu vực này hiện nay được TP Hải Phòng quy hoạch khoảng 35 ha đất dành cho nhà ở công nhân. Quy hoạch này hoàn toàn không thể đảm bảo được nhu cầu hiện tại, chưa kể là nhu cầu gia tăng trong thời gian tới khi thu hút lao động, thu hút dự án mới.

Trước đây, để đưa được nhà ở công nhân về KCN rất phức tạp. Cụ thể, doanh nghiệp đã phải đưa toàn bộ diện tích dành cho nhà ở công nhân phải ra khỏi KCN bằng thủ tục xin chủ trương điều chỉnh toàn bộ quy mô của KCN, điều chỉnh lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh lại quyết định giao đất và thậm chí là cả sổ đỏ. Điều này gây nhiều khó khăn và tốn thời gian.

Tuy nhiên, Nghị định 35 đã có quy định cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú cho người lao động trên đất hành chính dịch vụ. Nghĩa là nếu một KCN đã có quy hoạch một phần đất dành cho dịch vụ thì không phải xin cấp phép, thay đổi bất cứ điều gì, có thể ngay lập tức xây dựng các cơ sở lưu trú dành cho người lao động.

"Quy định này cũng thể hiện một điểm rất tiến bộ của Nghị định 35, đó là phân quyền mạnh mẽ hơn và giao nhiều trách nhiệm hơn cho UBND cấp tỉnh. Nghĩa là có những thay đổi, điều chỉnh ở mức độ vừa phải, thậm chí là quy mô của KCN có thể phê duyệt ngay ở cấp tỉnh, thay vì trước đây phải chờ cấp Trung ương phê duyệt. Nói thế để thấy rằng Nghị định 35 đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động triển khai của KCN", bà Trần Tố Loan đánh giá.

Quan tâm hạ tầng xã hội

Cùng góc nhìn, PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho biết, Nghị định 35 có 4 điểm mới quan trọng liên quan đến nút thắt nhà ở công nhân tại KCN.

Khoản 4 Điều 4 nêu rõ: Có quỹ đất thiểu bằng 2% tổng diện tích KCN để quy hoạch xây dựng nhà ở công trình dịch vụ tiện ích cho người lao động làm việc tại các KCN. Như vậy, Chính phủ đã chú ý tới việc một địa phương khi quy hoạch KCN cần quy hoạch 2% để xây dựng nhà ở cho người lao động. Đây là điểm gỡ nút thắt đầu tiên, tạo tiền đề cho các địa phương, chính quyền 63 tỉnh, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp tạo quỹ đất cho người công nhân có nhà ở.

Khoản 7 Điều 9 về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN quy định “có quy hoạch khu nhà ở và các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho người lao động hoặc các KCN được cơ quan nhà nước quy định về nhà ở”. Trước đây, không quy định phải có nhà ở cho người lao động trong KCN. Cũng không có văn bản nào quy định KCN không có nhà ở thì ai lo nhà ở cho người lao động.

Gỡ nút thắt xây nhà ở công nhân tại khu công nghiệp - Ảnh 2

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng.

Điểm khác cũng là một tiến bộ quan trọng khác được thể hiện tại khoản 2 và 3 Điều 33 khi quy định: “phát triển KCN đô thị dịch vụ được đầu tư đồng bộ bao gồm nhà ở, công trình giáo dục đào tạo, công trình nghiên cứu, y tế, thể thao, văn hoá…".

“Quy định này cho thấy, chúng ta đã quan tâm tốt hơn đến vấn đề hạ tầng xã hội của người lao động. Đây là tiến bộ quan trọng nhấn mạnh câu chuyện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội”, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng đánh giá.

Ngoài ra, tại Nghị định 35, Điều 56 quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của quản lý Nhà nước thuộc về Bộ xây dựng. Trước đây, Bộ xây dựng đứng ngoài các văn bản quy định về nhà ở tại các KCN, KKT.

Dù đánh giá Nghị định 35 có những điểm mới, tiến bộ và trách nhiệm đã được giao đến Bộ Xây dựng, nhưng theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, nghị định này chưa giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho người lao động tại KCN, KKT. Do đó Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề.

"Trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến cảnh đoàn người lao động từ Nam trở về Bắc. Không coi nơi họ làm việc là quê hương thứ 2, họ phải quay về quê hương cũ. Vì sao có câu chuyện này? Vì chúng ta chưa làm tốt câu chuyện dịch cư, không chỉ lo nhà ở cho người công nhân mà phải nghĩ tới nhà ở cho người nhà của công nhân, để câu chuyện dịch cư tạm thời thành dịch cư cố định”, ông Hải trăn trở.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam