Hà Đô, HUD bị 'bêu tên' sai phạm tại nhiều dự án
Báo cáo số 75/BC-UBND về kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, các “ông lớn” như Hà Đô, HUD, Hapro… bị “bêu tên” sai phạm tại nhiều dự án.
UBND thành phố Hà Nội vừa có Báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UNND TP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, rà soát thanh tra các dự án trên địa bàn các quận, huyện đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai hoặc chậm tiến độ, có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Trong đó có hàng chục dự án đang có các vi phạm như chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai theo quy định, tự ý cho thuê, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Đáng chú ý, trong số những dự án này, có loạt dự án của các “ông lớn” như Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro),...
Được biết, dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng ( dự án Hado Charm Villas) được giao đất năm 2007, nằm trên địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức, Hà Nội, cách trung tâm TP. Hà Nội 14 km.
Dự án có diện tích 30 ha, với quy mô dân số 10.084 người, bao gồm đầy đủ các chức năng: chung cư cao tầng (5,6 ha), biệt thự (6,0 ha), nhà liền kề (0,6 ha), trường học, nhà trẻ, trung tâm hành chính - thương mại (2,4 ha).
Dự án được khởi công vào năm 2008, ngay sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội – cũng là lúc thị trường bất động sản sôi động nhất. Thời điểm đó, dự án được quảng cáo sẽ có hàng chục tòa nhà cao tầng (30 – 40 tầng), đáp ứng nhu cầu của 10 nghìn cư dân tương lai.
KĐT “khủng” này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 tuy nhiên trên thực tế sau 10 năm triển khai đến thời điểm bàn giao dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không có hoạt động thi công xây dựng.
Đến năm 2018, dự án được TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, sau đó có tên là Hado Charm Villas và sẽ không còn chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề.
Tuy nhiên, theo Kết luận Thanh tra tháng 7/2019 về dự án này nêu rõ, chủ đầu tư chưa điều chỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, cơ quan chức năng yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ dể được xem xét, thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đồng thời, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Những sai phạm này cũng được UBND TP Hà Nội chỉ rõ trong báo cáo số 75/BC-UBND.
Theo Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tính đến thời điểm đầu năm 2019, Hà Đô đang đầu tư hơn 238,2 tỉ đồng tại dự án này, tăng 50,4 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong Báo cáo tài chính Hợp nhất quý 4/2020, dự án này không được nêu tên trong danh mục bất động sản xây dựng dở dang của doanh nghiệp.
Cuối năm 2020, nhiều sàn bất động sản bất ngờ rao bán các sản phẩm tại dự án này với mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2 dù dự án vẫn chỉ là bãi dất trống.
Một dự án khác của Hà Đô cũng được UBND TP Hà Nội chỉ ra sai phạm tại báo cáo số 75/BC-UBND là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện còn 4 lô đất liền kề đang triển khai đầu tư xây dựng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng khu nhà ở thấp tầng tại dự án này.
Cùng với Hà Đô, “ông lớn” HUD cũng có tới 3 dự án bị “bêu tên” sai phạm trong Báo cáo của UBND TP Hà Nội.
Tương tự tại ô đất CC3 KĐT Mỹ Đình 2, doanh nghiệp này cũng chưa điều chỉnh quyết dịnh chủ trương đầu tư.
Tại dự án khu đô thị Nam An Khánh mở rộng khu 3 tại An Khánh, huyện Hoài Đức, Tổng Công ty HUD cũng chưa điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP Hà Nội đã giao Sở QHKT thẩm định đồ án, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp như Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội bị “bêu tên” sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Trương Định tại đường Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai. Hay Công ty TNHH MTV Phát triển Hoa Sen (Công ty con của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP) cũng có nhiều sai phạm tại dự án Dự án Khách sạn Hoa Sen tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội…